Chiến thắng 30/4/1975: Khẳng định khát vọng độc lập, thống nhất đất nước
Chính trị - Ngày đăng : 16:00, 29/04/2022
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược và đến năm 1884 cơ bản đặt ắt đô hộ lên dân tộc Việt Nam. Từ một đất nước phong kiến độc lập, thống nhất, có chủ quyền thành một nước nửa thuộc địa – nửa phong kiến, đồng thời thực dân Pháp tìm mọi cách chia cắt đất nước, chia rẽ dân tộc Việt Nam hòng phân tán lực lượng để dễ bề cai trị. Việt Nam bị chia làm 3 kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ với ba chế độ khác nhau. Bắc Kỳ và Trung Kỳ là hai xứ bảo hộ vẫn còn giữ lại bộ máy chính quyền phong kiến về hình thức, Nam Kỳ là đất thuộc địa hoàn toàn do người Pháp cai trị. Đến năm 1899 cùng với Cao Miên, Ai Lao thành lập Liên bang Đông Dương, với thủ đoạn này chúng đã xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, Việt Nam trở thành: “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”.
Ngay từ lúc thực dân Pháp nổ súng xâm lược, triều đình nhà Nguyễn đầu hàng hoàn toàn, nhưng Nhân dân Việt Nam vẫn không bị khuất phục, khát vọng độc lập, thống nhất đất nước đã nuôi dưỡng ý chí chống kẻ thù xâm lược của Nhân dân như những đợt sóng trào của các giai tầng, như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Đông Du, khởi nghĩa Yên Bái… Để rồi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên Cách mạng tháng Tám 1945, long trời, lở đất, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thể hiện ý chí khát vọng của dân tộc Việt Nam “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” đã được khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập, là biểu tượng cho ý chí, cốt cách, tinh thần độc lập, tự do, thống nhất nước nhà của Nhân dân ta.
11h 30’ ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu |
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp âm mưu tiếp tục đặt ách thống trị, chia cắt đất nước ta. Âm mưu đó của thực dân Pháp được thể hiện trong thông điệp của Charles de Gaulle nhân danh Tổng trưởng chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp đã tuyên bố chính sách của Pháp với Đông Dương vào ngày 24/3/1945 rằng “Năm quốc gia tạo nên Liên bang Đông Dương được phân biệt bằng văn minh, chủng tộc và truyền thống, sẽ vẫn duy trì những đặc điểm riêng của họ trong Liên bang”. Việc thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, từ năm 1946 - 1948 cũng nằm trong kế hoạch tái lập Liên bang Đông Dương của Pháp, nhằm chia cắt lâu dài dân tộc Việt Nam. Âm mưu đó của chúng đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kịch liệt lên án, khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ (tháng 6/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi sang Pháp. Ngày 12/7/1946, trong một cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên quốc tế: “Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?”, Người khẳng định: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Basques, người Breton không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?”. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu đó, buộc Nhân dân ta tiếp tục chiến đấu cho nền tự do, độc lập, thống nhất và được kết tinh trong lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946 “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
Một góc TP. Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu |
Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dân tộc ta buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Geneve kết thúc chiến tranh và công nhận nền độc lập, thống nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dân đế quốc vẫn luôn tìm mọi cách nhằm chia cắt dân tộc Việt Nam, khi đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở miền Nam, nhằm phá hoại hiệp định Geneve, tạo ra thực thể chính quyền để chia cắt lâu dài đất nước ta như chúng đã làm ở Đức, Triều Tiên. Trước âm mưu thâm hiểm đó của Mỹ và tay sai, Đảng và Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định: “Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được”, “Nam - Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được”, “Trung – Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”… Tinh thần, khát vọng đó đã hiệu triệu hàng chục triệu trái tim con rồng, cháu lạc một niềm tin chiến thắng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; “tất cả vì miền Nam ruột thịt”; “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” để thống nhất nước nhà. Khát vọng, niềm tin vào thống nhất đất nước được Bác Hồ khẳng định, động viên Nhân dân ta trong Di chúc để lại cho toàn thể dân tộc: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Thực hiện, làm theo Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã làm nên chiến thắng mùa xuân 30/4/1975, thống nhất nước nhà, chiến thắng đó được Đại hội Đảng toàn quốc lần IV năm 1976 khẳng định: “Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã toàn thắng. Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
47 năm sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và hơn 35 năm đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế, nhìn lại cơ đồ Nhân dân ta đã vun đắp, xây dựng để có được như ngày hôm nay, càng thấy giá trị của độc lập, thống nhất, như Văn kiện Đại hội Đảng lần XIII khẳng định: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tinh thần đấu tranh vì độc lập, thống nhất đất nước của 47 năm về trước tiếp tục được Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát huy với một niềm tin sẽ đưa con thuyền cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc ra biển lớn, hội nhập, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. |