Hành trình đi tìm một di tích
Chính trị - Ngày đăng : 11:26, 30/04/2022
Khi đi khảo sát thực địa, tôi được cán bộ địa phương đưa đến nơi được xác định là BCHCDTN. Tôi còn nhớ, nơi được xác định là BCHCDTN nằm ở phía Tây Bắc, cách nhà máy thủy điện Đ'ray H’ling khoảng 2,5 km, cách sông Sêrêpốk chưa đầy 1 km. Di tích BCHCDTN giữa những vườn cà phê xanh tốt và có một con suối nhỏ chảy qua, nước trong vắt…
Thời gian và việc canh tác cà phê của người dân nơi đây đã làm thay đổi gần như hoàn toàn địa hình, địa vật và cảnh quan. Những chứng cứ vật chất không còn lại nhiều. Di tích những căn nhà làm tạm bằng gỗ, tranh tre, nứa lá… hầu như không còn dấu vết. Tuy nhiên, trên mặt đất đây đó vẫn còn sót lại một hầm, hào, công sự, quân trang quân dụng của bộ đội ta để lại như vỏ đạn súng AK, dây điện, dép cao su…
Với cảm quan của một cựu chiến binh, ngay lúc đó tôi đã không tin rằng đây là di tích BCHCDTN. Bởi lẽ, trong điều kiện tuyệt đối bí mật, Bộ Chỉ huy không thể phân bố trên một địa bàn rất rộng với nhiều hầm hào, công sự… như vậy. Tôi đã xem hầm chỉ huy của tướng Pháp Đờ Cát Tơ Ri tại cứ điểm Điên Biên Phủ được xem “bất khả xâm phạm”, tuy hiện đại nhưng phạm vi rất hẹp. Do vậy, di tích nói trên không phải là di tích BCHCDTN mà chính là nơi tập kết bí mật của quân chủ lực để nghi binh và chuẩn bị tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột.
Thế nhưng, những ý kiến của tôi đã không thuyết phục được lãnh đạo chấp nhận. Không còn cách nào khác, tôi quyết định ra Hà Nội trực tiếp gặp nhân chứng lịch sử - Đại tướng Văn Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) nhằm làm rõ sự thật.
Tại một biệt thự trong khu Ba Đình lịch sử, gần lăng Bác Hồ, trong quân phục chỉnh tề, Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tôi tại phòng làm việc của ông. Sau những lời xã giao, tôi trình bày với Đại tướng điều tôi muốn biết là hầm chỉ huy của ông trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột năm 1975 nằm ở đâu. Đại tướng chỉ tay trên tấm bản đồ quân sự và nói: “Anh biết xem bản đồ chứ… Trước khi nổ ra chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi ở bên dòng suối Đắk Đam trên đất Campuchia, giáp biên giới Việt Nam. Sau khi quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi mới về Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.
Tiếp theo, Đại tướng xác nhận điều ông nói bằng việc viết vào tờ giấy với dòng chữ: “Hầm chỉ huy của tôi sau chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột ở Buôn Hồ, phía Đông Bắc Buôn Ma Thuột khoảng 70 km, cách quốc lộ 14 khoảng 4 km” và ký tên. Dòng chữ ngắn ngủi của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã xóa tan sự ngộ nhận, nhầm lẫn trước đây. Nếu không, tôi sẽ buộc phải làm một hồ sơ di tích cách mạng không đúng với sự thật lịch sử mà nó mới chỉ diễn ra trước đó chưa đầy 20 năm.
Theo lời dặn của Đại tướng Văn Tiến Dũng, một ngày tháng 9/2000, tôi gặp ông Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk tại nhà riêng để hỏi ông về di tích BCHCDTN. Ông Cần hồi tưởng và kể rằng, vào ngày 15/3/1975, bấy giờ ông là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng ông Bùi San, Thường vụ Khu ủy Khu 5 đi gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia để báo cáo tình hình và nhận mệnh lệnh. Trên đường đi, hai ông vượt sông Sêrêpốk bằng cầu phao dã chiến và ghé qua BCHCDTN của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nằm gần đầu dốc buôn Trum.
Bấy giờ, buôn Trum của đồng bào M’nông nằm cách di tích, (nơi từng được ngộ nhận là căn cứ BCHCDTN của Đại tướng Văn Tiến Dũng) chỉ khoảng 1 km. Như vậy, trên địa bàn xã Ea Pô có hai di tích ở gần nhau. Di tích mà trước đó nhiều người ngộ nhận là căn cứ BCHCDTN, thực ra là nơi tập kết bí mật của một cánh quân chủ lực. Và khu vực đầu dốc buôn Trum như ông Huỳnh Văn Cần kể chính là BCHCDTN của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Đại tướng Văn Tiến Dũng xác nhận: “Trước khi nổ ra chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi ở bên dòng suối Đắk Đam trên đất Campuchia, giáp biên giới Việt Nam. Sau khi quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi mới về Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”. Năm 2001, theo nội dung xác nhận nói trên của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tôi đi tìm và đã tìm ra vị trí hầm chỉ huy của ông nằm gần phía quốc lộ 14 thuộc địa phận xã Ea Nam, (Ea H’leo, Đắk Lắk). Bấy giờ di tích này hầu như không còn lại dấu vết rõ ràng, do Nhân dân địa phương đã san phẳng để canh tác cà phê.
Tôi cũng đã gặp Trung tướng Nguyễn Năng - nguyên Phó Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên trong dịp lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng Gia Nghĩa - Đắk Nông (23/3/1975 - 23/3/2005). Vị tướng già khi đó đã 79 tuổi, dáng cao gầy kể cho tôi nghe chiến trường Tây Nguyên những năm tổng tấn công 1975. Trả lời điều tôi quan tâm, ông cầm giấy bút vẽ sơ đồ và khẳng định khu vực đầu dốc buôn Trum trước đây là nơi Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cùng các sĩ quan cao cấp khác trong BCHCDTN ở và làm việc.
Như vậy, việc gặp các nhân chứng lịch sử đã giải ảo sự nhầm lẫn để khẳng định chính xác địa danh di tích lịch sử cách mạng. Di tích BCHCDTN của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nằm gần buôn Trum (cũ) xã Ea Pô, huyện Cư Jút. Gần đó, nơi bị ngộ nhận là di tích hầm chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên của Đại tướng Văn Tiến Dũng thì chính là nơi tập kết bí mật của một cánh quân chủ lực. Di tích BCHCDTN của Đại tướng Văn Tiến Dũng trước khi giải phóng Buôn Ma Thuột nằm ở Campuchia, sau giải phóng Buôn Ma Thuột thì chuyển về xã Ea Nam (Ea H’leo - Đắk Lắk).
Có thể nói, BCHCDTN mãi mãi sẽ là một dấu ấn lịch sử trong chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sinh thời Đại tướng Văn Tiến Dũng và Trung tướng Nguyễn Năng đều nói với tôi: “Nên làm hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận BCHCDTN là di tích quốc gia”. Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Nông đã xúc tiến xây dựng hồ sơ Di tích BCHCDTN đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Việc đến nay mới làm hồ sơ là quá muộn nhưng muộn còn hơn không.