Chiến thắng Đức Lập - mấu chốt quan trọng trong Chiến dịch Tây Nguyên
Chính trị - Ngày đăng : 11:30, 30/04/2022
Trong 4 vị tướng nổi tiếng kể trên, tôi may mắn được gặp Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trưởng Phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên trong một chuyến công tác ở Gia Lai. Cho đến nay, nhắc đến Chiến dịch Tây Nguyên, nhiều người biết đến Trung tướng Khuất Duy Tiến chính là tác giả của kế hoạch nghi binh, đánh lừa địch, góp phần vào chiến thắng Buôn Ma Thuột vang dội.
Trong ký ức của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm không thể nào quên về mặt trận Tây Nguyên đầy khó khăn, gian khổ. Ngoài kế hoạch nghi binh hoàn hảo, ông đã kể cho chúng tôi về trận đánh quận lỵ Đức Lập vào ngày 9/3/1975. Theo ông, đây là thắng lợi mang tính “nút thắt” để quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, ban đầu quân ta có kế hoạch đánh chiếm thị xã Gia Nghĩa (Quảng Đức cũ). Tuy nhiên, sau chiến thắng Phước Long (1/1974), Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Mặt trận Tây Nguyên nhiệm vụ mới, chưa đánh thị xã Gia Nghĩa trước mà chuyển sang đánh căn cứ quận lỵ Đức Lập và căn cứ Núi Lửa.
Trung tướng Khuất Duy Tiến (thứ tư từ trái sang) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 |
Lúc bấy giờ, Đức Lập là một căn cứ lớn của địch, với gần 3.000 lính đóng quân. Tại đây, chúng phòng thủ khá vững chắc, có hầm ngầm, giao thông hào bao quanh căn cứ, cùng nhiều lớp hàng rào thép gai, xe tăng được bố trí ngầm dưới đất và có đến 3 đại đội pháo binh. Xác định đánh căn cứ Đức Lập là một nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan mật thiết với mục tiêu chính của chiến dịch là thị xã Buôn Ma Thuột, đích thân Thượng tướng Vũ Lăng - Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã dẫn đầu đoàn cán bộ của Mặt trận và của Sư đoàn 10 đi trinh sát Đức Lập.
Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại: Đêm hôm đó, khi vào gần căn cứ Đức Lập, mọi người khuyên Thượng tướng Vũ Lăng dừng lại ở phía ngoài để chiến sĩ tiếp tục bò vào trong trinh sát, vì càng vào gần thì mìn gài càng nhiều, súng địch lại thỉnh thoảng bắn ra, sự nguy hiểm sẽ càng cao, rất khó bảo toàn tính mạng cho vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Nếu không may xảy ra sự cố gì với ông thì ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ chiến dịch.
Trung tướng Khuất Duy Tiến (đi đầu) thăm Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai |
Khi đó, hơn ai hết, Thượng tướng Vũ Lăng biết rằng, càng vào trong sẽ càng nguy hiểm tới tính mạng, nhưng hiểu tầm quan trọng của trận đánh Đức Lập, chỉ có cách bò vào tận nơi quan sát mới có cách đánh thích hợp để chiến thắng.
Vì vậy, Thượng tướng Vũ Lăng quyết định cởi bỏ súng ngắn giao lại cho cần vụ rồi cùng mọi người bò vào tận hàng rào địch quan sát. Chính nhờ sự táo bạo, quả cảm đó mà ông đã đề ra được một phương án đánh Đức Lập thích hợp cho Sư đoàn 10 của ta. Sau đó, Sư đoàn 10 đã thực hiện tốt nhiệm vụ đánh Đức Lập, đúng như phương án mà Thượng tướng Vũ Lăng đã báo cáo với Đại tướng Văn Tiến Dũng là dùng Sư đoàn 10 đánh Đức Lập, rồi nhanh chóng cơ động về Buôn Ma Thuột, sẵn sàng thực hiện 2 nhiệm vụ: đánh thị xã Buôn Ma Thuột và sẵn sàng đánh quân địch đến ứng cứu Buôn Ma Thuột.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, trận tiêu diệt cụm cứ điểm địch ở căn cứ Đức Lập là trận thắng lớn đầu tiên của quân đội ta trong Chiến dịch Tây Nguyên. Chỉ trong hơn một ngày chiến đấu, Sư đoàn 10 (thiếu Trung đoàn 24) đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn căn cứ Đức Lập, căn cứ Núi Lửa. Bộ đội ta đã diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu nhiều đạn pháo và súng các loại.
Chiến thắng Đức Lập đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây thị xã Buôn Ma Thuột của địch, từ đó, mở thông đường hành lang chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để Sư đoàn 316 đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Đồng thời, chiến thắng Đức Lập cũng tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, dẫn tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.