Phát triển đô thị bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống chính trị
Chính trị - Ngày đăng : 13:40, 18/05/2022
Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự, chủ trì hội nghị.
Chủ trì và tham dự tại điểm cầu Đắk Nông có các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị được kết nối đến các điểm cầu cấp huyện và cơ sở và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy |
Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đã quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 06. Theo đó, nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Các đại biểu theo dõi đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương quán triệt nội dung nghị quyết |
Các mục tiêu cụ thể gồm: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%; đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025; đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị; đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh tham dự hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, quá trình đô thị hóa là tất yếu, khách quan, một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, từ Trung ương đến địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải quán triệt, nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung nghị quyết. Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết sớm xây dựng, với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, chỉ tiêu nêu trong nghị quyết vào kế hoạch năm, giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tư duy lý luận, phương pháp quy hoạch đô thị cần đổi mới, bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại; trong đó lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Hội nghị được kết nối đến các điểm cầu cấp huyện, cơ sở và truyền hình trực tiếp |
Một nhiệm vụ quan trọng là cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.
Để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền các đô thị, gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.