Đại biểu Quốc hội Đắk Nông góp ý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 22:25, 27/05/2022
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tham gia góp ý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, Luật Kinh doanh bảo hiểm là dự án luật có chuyên môn sâu, phức tạp và có tác động đến nhiều đối tượng, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường bảo hiểm. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng tại Điều 4 giải thích tới 30 thuật ngữ khác nhau, nhưng thứ tự các thuật ngữ được sắp xếp không theo thứ tự bảng chữ cái nên rất khó theo dõi, đề nghị sắp xếp lại thứ tự các khoản của Điều 4 để thuận tiện cho quá trình sử dụng.
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, dự thảo Luật quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, văn bản điện tử, điện báo, telex, fax hoặc các hình thức văn bản khác do pháp luật quy định”, đề nghị làm rõ giấy chứng nhận bảo hiểm thì có phải là hợp đồng bảo hiểm không. Mặt khác, điều 75 quy định điều kiện trước khi chính thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh. Điều 131 dẫn chiếu về điều kiện trước khi chính thức hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 75, tuy nhiên, các điều kiện cụ thể tại Điều 75 thì không hoàn toàn đúng với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Do đó, đề nghị rà soát lại các điều kiện đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; trường hợp cần thiết thì thiết kế điều luật riêng quy định về điều kiện trước khi chính thức hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm để bảo đảm rõ ràng vì đây là một nội dung quan trọng, liên quan tới việc thực hiện quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Về khả năng thanh toán và an toàn tài chính (Điều 92, 93), quy định tại hai điều này có điểm trùng lặp (cùng đề cập đến tỷ lệ an toàn vốn) nhưng lại không rõ mối liên hệ giữa khả năng thanh toán và an toàn tài chính là như thế nào. Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, an toàn tài chính có nội hàm rộng hơn khái niệm “khả năng thanh toán”, do vậy, đề nghị cân nhắc quy định rõ mối liên hệ giữa hai nội dung này.
Bên cạnh đó, đề nghị cần dẫn chiếu rõ “các trường hợp khác theo quy định” tại cuối khoản 2 Điều 93 thì sẽ được quy định ở đâu; việc áp dụng biện pháp cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát phải căn cứ vào tỷ lệ an toàn vốn hay còn căn cứ vào các điều kiện nào khác.
Về việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không được kinh doanh bất động sản (điểm b khoản 3 Điều 112), Đại biểu tán thành với quy định này nhằm bảo đảm an toàn tài chính cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, nội dung quy định tại dự thảo Luật chưa thể hiện rõ việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không được kinh doanh trực tiếp bất động sản nhưng có được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là công ty con để kinh doanh bất động sản không, nếu được góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì có giới hạn tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không, đề nghị làm rõ vấn đề này để có quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo Luật, tránh cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện pháp luật.
Về quản trị tài chính (Điều 121), nội dung khoản 3 Điều 121 rất chung chung, không có nội dung quy phạm cụ thể, do đó, đề nghị bỏ khoản này vì không cần thiết.