ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 12:05, 13/06/2022
Về cơ bản, đại biểu Phạm Thị Kiều tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng nêu rõ: khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh qua quá trình thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009...
Đại biểu Phạm Thị Kiều tham gia thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) |
Qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, việc phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đảo, huyện đảo chưa được quy định rõ ràng. Quy định về phát triển mô hình bác sĩ gia đình; ranh giới giữa y tế dự phòng với khám bệnh, chữa bệnh; liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở của Nhà nước với cơ sở y tế tư nhân; tiêu chí của các cơ sở khám chữa bệnh phi lợi nhuận… chưa được giải quyết đầy đủ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định cụ thể hơn.
Cụ thể, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị bỏ khoản 1, Điều 4, trong dự thảo Luật “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh”. Bởi vì, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới không đặt mục tiêu Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Về chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề (Điều 18), dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang quy định chỉ phù hợp với các hình thức tổ chức của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không phù hợp với hình thức y tế trường học tại các cơ sở giáo dục. Hiện tại quy định trong các cơ sở giáo dục, cán bộ y tế phải có giấy phép hành nghề là không phù hợp, không cần thiết do trong các cơ sở giáo dục không thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh (trừ một số cơ sở giáo dục có đủ điều kiện thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng điều kiện để tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh). Quy định này sẽ gây phát sinh nhiều thủ tục, khó khăn cho việc trích lại kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế cần phải quy định rõ việc không áp dụng quy đinh về việc phải có giấy phép hành nghề đối với cán bộ y tế trong các cơ sở giáo dục.
Mặt khác, dự thảo Luật quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thuộc Hội đồng Y khoa Quốc gia. Theo đại biểu, Hội đồng Y khoa Quốc gia nên được giao những nhiệm vụ lớn như: tư vấn xây dựng thể chế, chính sách về y tế, khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết những vấn đề khó về chuyên môn, chứ không nên giao đảm nhiệm các công việc thực thi, tác nghiệp, cụ thể như việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề. Việc này nên quy định giao cho các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức độc lập thực hiện như đối với nhiều chứng chỉ hành nghề khác mà không cần thiết phải do một Hội đồng ở tầm quốc gia trực tiếp thực hiện.
Toàn cảnh phiên thảo luận tập trung tại hội trường sáng 13/6 |
Về điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 43), theo đại biểu Phạm Thị Kiều, quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo chuỗi được bổ sung trong dự thảo Luật, tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại chưa có quy định cụ thể thế nào là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo chuỗi và khác với trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm cơ sở cùng tên tại địa điểm khác là như thế nào. Do đó, để bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, đề nghị bổ sung quy định rõ trong Luật về mô hình tổ chức, quản lý theo chuỗi hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Tại khoản khoản 3, Điều 87 của dự thảo Luật quy định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ “hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học” là bao nhiêu tiền?. Bổ sung đánh giá tác động về chính sách này, đặc biệt là đánh giá tác động xã hội, tác động kinh tế về mức hỗ trợ khi thực hiện chính sách, bảo đảm hài hòa, cân đối với mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên các ngành học khác.