Các tổ chức chính trị - xã hội chung sức thi đua yêu nước
Chính trị - Ngày đăng : 09:35, 14/06/2022
Xây dựng nông thôn mới
Điển hình, trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới”, các tổ chức chính trị - xã hội đã cụ thể hóa bằng những cách làm phù hợp với đặc thù, mang lại hiệu quả thiết thực. Như Hội LHPN các cấp đã kêu gọi cán bộ, hội viên phụ nữ đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó tiêu chí “3 sạch” được lựa chọn làm điểm đột phá thực hiện gắn với tiêu chí 17 về môi trường.
Cụ thể, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh công tác uyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn; dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường, tổ dân phố, thôn, buôn, bon; hỗ trợ hội viên xây dựng công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh…
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả được nhân rộng, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp như “Con đường hoa”, “Đoạn đường phụ nữ xanh, sạch, đẹp”, “Bao rác tình thương”, “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Tái sử dụng rác thải vô cơ làm thùng đựng rác”, “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”, “Phụ nữ trồng rau sạch”... Đến nay, toàn tỉnh đã có 359 công trình, phần việc do phụ nữ thực hiện, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Với phương châm "Mỗi thanh niên một việc làm tình nguyện, mỗi cơ sở đoàn một công trình, phần việc thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới", các cấp đoàn thanh niên trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm huy động sức trẻ tham gia. Có thể kể đến như nạo vét kênh mương; sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng cầu nông thôn, công trình nước sạch, nhà nhân ái, nhà tình thương… cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Hội LHPN tỉnh phối hợp truyền thông hướng dẫn chị em sử dụng bếp tiết kiệm năng lượng để hạn chế khói thải ra môi trường |
Lực lượng đoàn viên, thanh niên còn tham gia trồng cây xanh các loại; ra quân Ngày Chủ nhật xanh, Ngày thứ 7 tình nguyện để dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát quang, tu sửa đường liên thôn, sửa sang, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ… Nhiều công trình thanh niên được triển khai có sức lan tỏa sâu rộng như "Điện thắp sáng đường quê", "Đoạn đường thanh niên tự quản"…
Năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, song qua tuyên truyền vận động của tổ chức hội, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đã có nhiều đóng góp về tiền của, ngày công, đất đai xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 12 tỷ đồng, hiến trên 57.150 m2 đất làm đường giao thông, công trình công cộng, trên 7.130 ngày công để sửa chữa 337 km đường giao thông nông thôn và 30 cầu, cống; nạo vét, sửa chữa trên 69 km kênh mương nội đồng.
Chung tay vì người nghèo
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực với phương châm “trao cần câu, không trao xâu cá”. Điển hình, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội viên khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay phát triển kinh tế cũng như triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho hội viên nghèo.
Đến nay, các cấp hội cựu chiến binh đã và đang quản lý 361 tổ tiết kiệm vay vốn cho 15.754 lượt hộ vay với tổng dư nợ là 720 tỷ đồng; giải ngân vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Hội 228 triệu đồng; “Quỹ đồng đội” trên 29 tỷ đồng… Từ các nguồn vốn này, hội viên khó khăn có điều kiện để đầu tư chăm sóc cao su, cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn trái, chăn nuôi, mở trang trại, gia trại, kinh doanh… Bên cạnh đó, các cấp hội còn kêu gọi nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hội viên nghèo trên tinh thần “an cư lạc nghiệp”.
Hội LHPN tỉnh tặng bếp tiết kiệm năng lượng để hạn chế khói thải ra môi trường cho phụ nữ xã Nâm N'Jang (Đắk Song) |
Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đăng ký giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo là chủ hộ thoát nghèo bền vững; đẩy mạnh các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” bằng nhiều hình thức như giúp vốn, ngày công, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất…
Cùng với nguồn vốn vay ngân hàng chính sách thì nguồn vốn Quỹ Cơ hội cho phụ nữ với dư nợ trên 40 tỷ đồng đã góp phần giúp cho 1.802 thành viên vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động hỗ trợ sửa chữa và làm mới "Mái ấm tình thương" cho hội viên nghèo.
Tương tự, các cấp công đoàn đã triển khai các hoạt động như hỗ trợ vốn vay cho đoàn viên khó khăn phát triển kinh tế; xây dựng các nguồn quỹ tương trợ giúp đoàn viên khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm công đoàn…
Phát biểu tại Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần không nhỏ vào bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và sự phát triển chung của tỉnh.
Thời gian tới, các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động, mạnh dạn tham mưu UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, hoạt động liên quan đến đoàn viên, hội viên, người dân, nhất là tiếp tục đồng hành trong quá trình tổ chức vận hành ở tất cả các lĩnh vực như xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, đầu tư, giải phóng mặt bằng, giảm nghèo bền vững…