Công tác dân vận cần đi trước một bước để củng cố lòng dân
Chính trị - Ngày đăng : 05:53, 01/07/2022
PV: Thưa đồng chí, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng đã được hệ thống dân vận trong tỉnh triển khai như thế nào?
Đ/c Hà Thị Hạnh: Xác định công tác tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng đóng vai trò quan trọng trong việc an dân, tạo đồng thuận xã hội, hệ thống dân vận trong tỉnh luôn triển khai nhiệm vụ này thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả.
Việc tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, trên cơ sở phân loại đối tượng, địa bàn, tổ chức thực hiện nhằm phát huy được vai trò của người làm công tác dân vận. Với những địa bàn phức tạp, hệ thống dân vận thường xuyên phân công, cử cán bộ trực tiếp đi xuống cơ sở, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân và tìm hiểu nguyên nhân để tham mưu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết hợp tình, hợp lý. Nhờ đó, hiện nay, tại nhiều khu vực được coi là “điểm nóng” của tỉnh, tình hình dân cư đã ổn định hơn, niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền được củng cố, tăng cường.
Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, đội ngũ cán bộ dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã không quản ngại khó khăn, vất vả đi đến từng hộ gia đình, điểm, nhóm khu dân cư, nhất là vùng dân tộc thiểu số vận động người dân tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, tiêm vắc xin đầy đủ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống dân vận còn phát huy được vai trò của các chức sắc, tôn giáo, người uy tín… trong tuyên truyền, vận động góp phần làm cho việc tiêm vắc xin Covid-19 của tỉnh kịp thời, đạt kết quả cao.
Hệ thống dân vận còn tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia lớn như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… bằng cách tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chung sức, đồng lòng thực hiện.
Đồ họa: Bình Minh - Hoàng Hoài |
PV: Hiện nay, tỉnh đang thu hút nhiều chương trình, dự án đầu tư vào tỉnh, vậy hệ thống dân vận phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Hà Thị Hạnh: Giai đoạn này, tỉnh đang thu hút nhiều dự án đầu tư, thực sự là tín hiệu đáng mừng, bởi khi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh thì sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thu hút nhiều dự án như vậy sẽ phần nào ảnh hưởng đến tình hình an ninh nông thôn, tâm lý người dân.
Về vấn đề này, Ban Dân vận Tỉnh ủy dự báo trước tình huống nên đã xây dựng các kế hoạch về kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác quy hoạch các dự án theo trình tự các bước, từ thông báo cho dân mới đến định hướng, không như trước đây chủ dự án cứ mặc nhiên làm. Hiện nay, chủ đầu tư dự án đều có sự kết nối với hệ thống dân vận để thực hiện các bước theo yêu cầu trước khi triển khai thực tế.
Công tác dân vận cần đi trước một bước để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, tuyên truyền, vận động để bà con hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng khi triển khai các dự án để đi đến đồng thuận, thống nhất, nhất là những việc liên quan đến đền bù, giải tỏa đất đai của dân...
Hiện nay, UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động, đòi hỏi Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả của công tác dân vận đối với sự phát triển chung của tỉnh. Khi tỉnh triển khai nghị quyết, dự án nào thì hệ thống dân vận phải vào cuộc ngay, tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ đầu để kịp thời phát hiện những cái sai để kiến nghị sửa chữa, thay đổi, thay vì làm xong mới đi kiểm tra, giám sát khi việc đã rồi.
PV: Thưa đồng chí, thời gian tới, hệ thống dân vận cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng?
Đ/c Hà Thị Hạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Người yêu cầu: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
Do đó, để công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ngày càng hiệu quả thì nội dung, hình thức và phương pháp vận động quần chúng cần được đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp các địa bàn, đối tượng, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Công tác vận động quần chúng cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình đối với địa phương.
Cán bộ làm công tác dân vận phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, làm sao huy động được quần chúng cùng tham gia, mỗi người dân sẽ là một tuyên truyền viên trong tuyên truyền, vận động. Qua đó, người dân góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được nguồn lực to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ làm công tác dân vận. Chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương đối với công tác dân vận.
Ngoài ra, hệ thống dân vận cần nâng cao năng lực nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới; phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, phong trào, mô hình dân vận khéo, nhất là khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!