Cảnh giác các luận điệu "lập lờ đánh lận con đen"
Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 10/10/2022
Ngày 23/10/2016, trong khi các công nhân của Công ty TNHH Long Sơn đang san ủi đất tại tiểu khu 1535 (thuộc lâm phần của Công ty) tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) thì xảy ra tranh chấp, xô xát với một số người dân địa phương.
Một nhóm người dân do Đặng Văn Hiến (SN 1976), dân tộc Nùng, trú tại tiểu khu 1535 cầm đầu, dùng súng bắn vào nhóm công nhân, khiến 3 người chết, 16 người bị thương.
Ngay sau vụ việc, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng gây án để xử lý theo quy định. Những kẻ giết người cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật.
Thế nhưng, lợi dụng vụ việc này, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, một số thành phần đã kích động, tạo ra "làn sóng" bênh vực cho hành vi tàn ác của Đặng Văn Hiến.
Họ cho rằng, Đặng Văn Hiến đã bị áp bức, bị cướp đất, nên mới có hành động phản kháng như vậy. Thậm chí, có những kẻ còn suy diễn, vu vạ cho chính quyền trong vụ việc này và kêu gọi "đòi công bằng" cho Đặng Văn Hiến...
Một số kẻ lợi dụng tù nhân Đặng Văn Hiến để gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền |
Vừa qua, Đặng Văn Hiến được Chủ tịch nước ân giảm từ mức án tử hình xuống tù chung thân. Lợi dụng sự kiện này, nhiều kẻ lại lên các diễn đàn mạng xã hội lu loa rằng "Đặng Văn Hiến đã đòi được công bằng", "tìm được công lý cho Đặng Văn Hiến"...
Những lời lộng ngôn của những kẻ này đã khiến nhiều người hiểu nhầm Đặng Văn Hiến bị oan sai, bị áp bức. Trong khi, thực chất quyết định ân giảm của Chủ tịch nước là để thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và pháp luật Việt Nam.
Theo ông Phạm Thanh Huy, một cán bộ hưu trí ở TP. Gia Nghĩa, trong thời gian qua, hoạt động theo kiểu chủ nghĩa dân túy đã hiện diện khá rõ ở một số cán bộ và một bộ phận người dân.
Chẳng hạn như một số kẻ lợi dụng vụ việc Đặng Văn Hiến là một ví dụ. Rõ ràng, bản chất vụ việc này là Đặng Văn Hiến và một số người dân đã xâm chiếm đất của Nhà nước từ trước đó.
Khi Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp để đầu tư các dự án phát triển kinh tế thì xảy ra tranh chấp. Thay vì để pháp luật vào cuộc giải quyết, Đặng Văn Hiến và một số người lại dùng "luật rừng" để xử lý.
"Bản chất vụ việc là như vậy, pháp luật đã điều tra ngọn ngành, không thể bao biện. Do đó, việc kêu ca của một số người chẳng qua là để lợi dụng, xúi giục nhằm nhắm tới mục đích không tốt", ông Huy chia sẻ.
Một diễn đàn lệch lạc về Đặng Văn Hiến trên MXH |
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tư, nguyên Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực III (Đà Nẵng), thời gian qua, các đối tượng xấu thường lợi dụng tâm lý “phản kháng, hẹp hòi, thiển cận” để tạo ra các phong trào mà hệ lụy rất lớn.
Chúng lợi dụng cái đơn lẻ để đi ngược lại với lợi ích chung, lợi dụng tâm lý đám đông để thực hiện mục đích cá nhân, lấy lợi ích nhỏ trước mắt phá hoại lợi ích lớn, toàn cục về lâu dài…
"Cho dù là chủ ý hay vô tình, những hoạt động kiểu như vậy chúng ta phải đấu tranh, ngăn chặn một cách quyết liệt để hạn chế các mặt tiêu cực", PGS-TS Nguyễn Văn Tư nhấn mạnh.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Văn Tư, không chỉ các thành phần xấu, một số cán bộ, đảng viên cũng hay "hà hơi tiếp sức", thậm chí trực tiếp có các hoạt động theo kiểu chủ nghĩa dân túy.
Chẳng hạn như trong các vụ việc ở Đồng Tâm, vụ Hồ Duy Hải..., một số cán bộ, đảng viên dù không hiểu hết bản chất, nhưng vẫn có những bình luận, phát ngôn theo kiểu chống đối, chỉ trích chính quyền, ngành chức năng...
Hoạt động theo kiểu chủ nghĩa dân túy đang ngày một phổ biến. Trong một góc độ nào đó, nó đã có ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước.
"Các hoạt động này có thể gieo rắc niềm tin vào một bộ phận quần chúng về một xã hội không tưởng, gây tác động đến an ninh, chính trị, kinh tế và đời sống xã hội", PGS-TS Nguyễn Văn Tư cho biết.