Thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Đắk Nông đề nghị Trung ương hỗ trợ 5.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án cao tốc
Chính trị - Ngày đăng : 11:27, 22/10/2022
Tham gia thảo luận tại tổ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 trình Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất và đồng thuận cao với các báo cáo trình bày tại kỳ họp này.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, với nền kinh tế có GDP còn khiêm tốn nhưng lại có độ mở cao như nước ta nên trước tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và chính sách Zero Covid của Trung Quốc gây ảnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tăng giá trị đồng ngoại tệ mạnh, nhất là đồng đô-la Mỹ, các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang dần bị thu hẹp, tạo thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do gia tăng chi phí sinh hoạt, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp và đây cũng là trở ngại lớn cho việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất và đồng thuận cao với các báo cáo trình bày tại kỳ họp |
Góp ý về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng về đầu tư công vẫn tiếp tục là điểm nghẽn. Theo báo cáo của Chính phủ thì giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, chưa đạt được kết quả như mong đợi. Ước giải ngân đến 30/9/2022, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%). Trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế nên đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó đầu tư công được xem là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của nước ta thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bất cập như: hệ số ICOR của khu vực Nhà nước cao, chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lãng phí nguồn vốn Nhà nước... Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành về vấn đề này một cách căn cơ trong thời gian tới?.
Để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư cho tỉnh dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương, đảm bảo mục tiêu đột phá của tỉnh là Dự án đường cao tốc đường bộ Đắk Nông – Chơn Thành. Dự án này dài gần 130km được xây dựng với quy mô 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp; cấp hạng đường thiết kế cao tốc là 100km/h. Đến nay, đơn vị tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đoạn qua tỉnh Bình Phước, đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông chỉ điều chỉnh tim tuyến, còn hướng tuyến cơ bản theo quy hoạch nhưng cần cập nhật vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Đại biểu Mai đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho dự án khoảng 5.000 tỷ đồng, nhằm giảm thời gian thu phí, tăng tính hấp dẫn của dự án và tăng hiệu quả đầu tư. Dự án đang thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Về tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Hiên nay các địa phương đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến các chương trình MTQG, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, các địa phương ban hành văn bản thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, một số bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thuộc các chương trình MTQG. Do đó, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn của các địa phương. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, kính đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG để địa phương căn cứ triển khai thực hiện đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và đúng quy định của pháp luật và đây cũng là góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về Công tác quy hoạch: Có thể khẳng định quy hoạch là nền tảng định hướng cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KTXH từ cái chung cho đến cái cụ thể của cả nước cũng như từng địa phương hay lĩnh vực. Tuy nhiên theo báo cáo của Chính phủ, tiến độ công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh nhưng việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trong hệ thống còn chậm; sự phối hợp của các cơ quan trong việc triển khai công tác quy hoạch còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. Đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm để khắc phục nhanh tồn tại này.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia. Trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc về chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2030 do trung ương phân bổ 292.981 ha, chiếm 45% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với chỉ tiêu này sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, làm ảnh hưởng lớn tới thu hút đầu tư, phát triển KTXH của tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn tới.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và phát triển KTXH trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự hài hòa giữa cơ cấu diện tích đất lâm nghiệp và diện tích các loại đất khác nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng đất để phát triển KTXH của tỉnh trong giai đoạn năm 2021 – 2030. Kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, xem xét phương án quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 theo đề xuất của tỉnh là 247.565 ha cho phù hợp với tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự hài hòa giữa cơ cấu đất lâm nghiệp và các loại đất khác, tạo điều kiện để quy hoạch sử dụng đất đạt hiệu quả, khai thác được tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới.