ĐBQH Đắk Nông thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết

Chính trị - Ngày đăng : 18:08, 07/11/2022

Ngày 7/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 tiếp tục thảo luận tại hội trường về các dự thảo nghị quyết và thảo luận ở tổ về các dự thảo luật.

Thảo luận về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) diễn ra vào buổi sáng, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tán thành cao đối với với việc ban hành chính sách đặc thù đối với địa phương này. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa các chủ trương theo Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị. Về thực tiễn, TP. Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Việc ban hành cơ chế đặc thù sẽ góp phần tạo động lực thu hút đầu tư; phát triển, để ổn định nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai, chính sách ưu đãi cho TP. Buôn Ma Thuột quy định trong dự thảo Nghị quyết còn chưa tương xứng với tính chất “đặc thù” bởi vì đã có những chính sách, dự án đã triển khai trước đó như cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa Đại học Tây Nguyên... Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách mới, nhất là chính sách liên quan đến đầu tư công, đất đai, nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược… trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho phù hợp, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của thành phố này.

Đại biểu Dương Khắc Mai tham gia thảo luận tại hội trường về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột

Về Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (Điều 3, dự thảo Nghị quyết ), tại khoản 1 quy định: “Tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vaykhông vượt quá 40% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp”. Mức này thấp hơn ngưỡng 60% hiện nhiều địa phương được áp dụng. Nếu ở mức 40 % thì theo tính toán sơ bộ, trong 5 năm tới, mức vay để đầu tư cho Buôn Ma Thuột chỉ tăng thêm 1.200 tỷ đồng, như vậy không thể tạo nên sự đột phá cho thành phố này. Vì vậy, đề nghị cần phải tính toán cho thật kỹ vấn đề này, để vừa đảm bảo tính đặc thù về nguồn lực thực hiện Nghị quyết, nhưng phải đảm bảo được hiệu quả nguồn vốn vay, từ đó có thể trả nợ được và không ảnh hưởng chung đến tổng thể nợ vay quốc gia.

Tại Khoản 2 quy định: “Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên, tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP. Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyếtnày”. Để đảm bảo các mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột thì đây là điều cần thiết. Nếu tính toán sơ bộ, trong 5 năm tới, mức tăng này là khoảng 2000 tỷ đồng, có thể phát huy được ngay tác dụng của chính sách. Tuy nhiên, do tỉnh Đắk Lắk chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách, nên chắc chắn phần tăng thêm này phải do ngân sách Trung ương hỗ trợ, nên đây sẽ là áp lực cho cả ngân sách Trung ương và địa phương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, giành nguồn lực và có giải pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện nội dung này.

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (Điều 4, dự thảo Nghị quyết). Tại khoản 2, việc ưu đãi cho sản xuất cà phê là cần thiết. Nhưng để việc ưu đãi hiệu quả hơn, đại biểu đề nghị nên tập trung ưu đãi cho lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ cà phê để vừa tăng giá trị gia tăng của ngành cà phê, vừa đảm bảo thị trường tiêu thụ hạt cà phê không chỉ cho Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk và cả Tây Nguyên.

Về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt (Điều 6, dự thảo Nghị quyết). Thực tế hiện nay có rất nhiều địa phương đã thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút rất cao ở nhiều nội dung như hỗ trợ tài chính ban đầu, ưu đãi nơi ở, phương tiện…Vì vậy, nếu chỉ ưu đãi về thuế thu nhập thì rất khó thu hút được đối tượng này do không thể cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành phố khác. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm các chính sách ưu đãi để đảm bảo tính khả thi hơn.

Góp ý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Đại biểu Dương Khắc Mai cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành. Đặc biệt, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các luật được ban hành, sửa đổi sau Luật Đấu thầu năm 2013 như: Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi năm 2020), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020... Tuy nhiên, để đảm bảo sự chặt chẽ, phù hợp khi ban hành Luật, đại biểu Dương Khắc Mai có một số ý kiến góp ý, cụ thể như sau:

Tại khoản 3, Điều 5 của dự thảo có quy định về điều kiện đối với nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, chỉnh sửa một số quy định, cụ thể như:

Điểm b, Khoản 3 sửa lại từ “Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thành “Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Khoản 4, Điều 17 quy định về hủy thầu như sau: “tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 và khoản 2 điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, Điều 17 dự thảo lại chưa rõ về cơ chế đền bù chi phí như thế nào?. Các bên liên quan phải khởi kiện ra Tòa án đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự hay là theo trình tự thủ tục nào. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn về vấn đề đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu trong các trường hợp trên.

Khoản 1, Điều 87 về Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu có quy định: “Người có thẩm quyền thực hiện công tác giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật này”. Theo quy định của dự thảo Luật thì hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động đấu thầu, đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung một số tổ chức giám sát xã hội… để thực hiện về giám sát, theo dõi hoạt động thầu.

Đại biểu Dương Khắc Mai tham gia thảo luận về 2 dự án Luật Đấu thầu và Luật Giá (sửa đổi)

Tại mục 1, Chương VII dự thảo quy định về hợp đồng với nhà thầu, trong đó rất nhiều quy định có tính chất trùng lặp với các quy định về hợp đồng xây dựng quy định tại Luật Xây dựng. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét về các quy định hợp đồng trong dự thảo để đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật xây dựng, tránh tình trạng hai văn bản cùng quy định về hợp đồng có tính chất tương tự nhau, gây khó khăn khi áp dụng.

Liên quan đến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), về tổng thể, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đồng ý các chương sửa đổi. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật đấu thầu, hiện nay đang đi theo hướng vừa cả nội dung, vừa cả trình tự thủ tục. Cụ thể, khoản 1, Điều 1 đưa ra những hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu. Tức là chúng ta ấn định luôn cái gì thì phải theo luật này. Đến khoản 2, Điều 1 lại đưa những loại ở luật khác quy định đấu thầu thì thực hiện theo quy định của luật này.

Đại biểu cho rằng cách tiếp cận ở dự thảo Luật đấu thầu chưa ổn. Chúng ta phải tách bạch ra, Luật Đấu thầu là trình tự thủ tục đấu thầu về các nội dung: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu… và các nội dung khác. Còn nội dung về khi nào thì đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế… thì đã có các luật khác quy định. Hiện dự thảo Luật này đang quy định cả 2 loại vào trong 1 điều của luật nên rất khó xác định. Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bóc tách ra hai vấn đề này thì mới đáp ứng được tính khả thi, minh bạch.

Liên quan đến chỉ định thầu, quan đểm của chúng ta là sửa đổi luật để nâng cao tính cạnh tranh nhưng đây lại mở rộng ra các trường hợp chỉ định thầu. Mặt khác, đối tượng mở rộng chỉ định thầu trong dự thảo Luật này cũng chưa rõ ràng. Vì vậy, chúng ta nên hạn chế việc chỉ định thầu trong luật. Còn đối với những dự án đặc biệt, Quốc hội quyết định bằng nghị quyết về chỉ định thầu. Đại biểu đề nghị nên bóc tách vấn đề này ra. Trong dự thảo Luật, nên quy định trình tự thủ tục chỉ định thầu, còn những trường hợp nào chỉ định thầu hay đấu thầu rộng rãi thì phải ở các luật chuyên ngành hoặc các nghị quyết của Quốc hội quyết định.

Liên quan đến đấu thầu trước, về mặt chính sách, đại biểu cho rằng chưa ổn. Thứ nhất là dự án chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ để đấu thầu. Thứ hai, quy định trong dự thảo Luật là khi dự án không được phê duyệt, các nhà thầu được bồi thường. Trong khi, một dự án có rất nhiều đơn vị tham gia đấu thầu, nếu quy định như dự thảo thì sẽ rối trong thực hiện. Chưa kể, khi dự án chưa phê duyệt, tiền bồi thường cho các đơn vị đấu thầu lấy ở nguồn nào?

Góp ý vào dự án Luật Giá (sửa đổi)

Tham gia góp ý vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị ban soạn thảo làm rõ hoặc đưa vào văn bản hướng dẫn thi hành luật về hành vi bị nghiêm cấm trong việc “lợi dụng chính sách của nhà nước” vì quy định chung như dự thảo rất khó xác định, lỗi không phải ở tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trường hợp nào xin ý kiến của HĐND, trường hợp nào giao cho UBND quyết định để đảm bảo cơ sở pháp lý khi áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, việc cho ý kiến cũng không quy định rõ theo phương thức nào, tại cuộc họp hay bằng văn bản, nếu bằng văn bản thì dùng loại hình văn bản nào? Xác định rõ đối tượng cho ý kiến là toàn bộ chủ trương hay một phần nội dung... Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số câu, từ, nội dung ở một số điều khoản để bảo đảm tính pháp lý, rõ ràng trong dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tham gia thảo luận về dự án Luật Giá, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng: thứ nhất, hai điều quy định về hàng hóa dịch vụ bình ổn giá và hàng hóa do Nhà nước định giá, ở đây dự thảo xây dựng khác hoàn toàn với luật hiện hành. Ở hàng hóa bình ổn giá theo luật hiện hành có danh mục hàng hóa, nếu điều chỉnh, Chính phủ trình Quốc hội để bổ sung, chỉnh sửa. Còn ở dự thảo Luật này không quy định danh mục nào mà do chính Phủ quy định. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng việc bình ổn giá là một hình thức can thiệp vào thị trường. Vì vậy, người dân ít nhất cũng phải nhìn được danh mục hàng hóa cơ bản Nhà nước có thể bình ổn giá. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình UBTV Quốc hội danh mục bình ổn giá. Vì vậy, cần giữ như hiện hành về nội dung này.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá, luật hiện hành quy định khi cần thiết, Nhà nước lập quỹ bình ổn giá. Thế nhưng trên thực tế hiện chỉ có Qũy bình ổn giá xăng dầu. Trong khi đó, thời gian qua, việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu rất có vấn đề. Khi giá xăng dầu tăng liên tục, cứ trích quỹ để bình ổn đến khi quỹ âm. Khi giá xăng dầu giảm lại trích bù quỹ đến khi quỹ dương. Cứ làm như vậy, giá xăng dầu chúng ta không tiệm cận được với giá xăng dầu thế giới, khi giảm hay tăng đều chậm. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên bỏ quỹ này.

Liên quan đến hàng hóa do Nhà nước định giá, trong dự thảo Luật này nên bổ sung vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ trình UBTV Quốc hội bổ sung, điều chỉnh danh mục này.

Đ.D