Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 2: 'Tổ quốc không của riêng ai'

Chính trị - Ngày đăng : 16:19, 10/11/2022

Ông Sáu Dân là một trong những người cộng sản đầu tiên tôi gặp sau ngày đất nước thống nhất', linh mục Huỳnh Công Minh tâm sự ông luôn cảm thấy lòng ấm áp mỗi khi nhắc đến ông Sáu Dân...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại dinh Thống Nhất tháng 2-1993. Người trao đổi với ông là GS Phó Bá Long. Ảnh: P.Tiến

Chở từng túi gạo tặng nhân sĩ, trí thức thời khó

"Trước đó, khi đang du học và được thụ phong linh mục ở Pháp, năm 1969 tôi về Việt Nam làm luận án tiến sĩ và chọn ở lại trong tình cảnh chiến tranh leo thang vì sợ tình hình càng phức tạp thì không còn cơ hội về nước. Tôi tham gia nhiều hoạt động của các trí thức và giáo dân chống tham nhũng và bị cho là làm bất lợi cho chính quyền... 

Song không phải vì vậy mà chúng tôi không lo lắng khi đất nước thống nhất, chế độ thay đổi. Rất nhiều tin đồn về chính quyền của những người cộng sản. Nhưng rồi không hề có việc đóng cửa nhà thờ, không hề có việc linh mục bị bắt đi lao động, không có việc trả thù giáo dân, và ông Sáu Dân đã chủ động cho người đến tìm tôi...", linh mục Huỳnh Công Minh kể tiếp.

Đi gặp bí thư Thành ủy, những người lãnh đạo mặc áo cán bộ vừa từ rừng núi về tiếp quản thành phố, linh mục Huỳnh Công Minh không khỏi hồi hộp, nhưng khi gặp, ông bí thư rất ấm áp và thiện chí. Ông cho biết đã tìm hiểu và biết linh mục Minh có nhiều hoạt động tích cực, gần gũi và có uy tín với giáo dân lao động, lại là người thân tín của Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. 

Ông đề nghị linh mục làm cầu nối để được gặp Đức Tổng giám mục với mong muốn tìm sự hòa hợp trong lòng yêu nước của những người kính Chúa và những người cộng sản. Linh mục Minh đã rất bất ngờ và cảm động: "Tôi thật không mong gì hơn vì quả thật nhiều người Công giáo đã gặp phải sự phân biệt, bị coi là người của chế độ cũ, bị coi không phải người yêu nước chân chính".

Mọi việc sau đó còn vượt quá điều ông mong đợi. Cuộc gặp giữa Đức Tổng giám mục với bí thư đã diễn ra thật tốt đẹp, và hai người đã mau chóng hòa hợp đến mức xem nhau là bạn, gọi nhau thân thiết "anh Năm - anh Sáu". Từ đấy, cứ vài tháng ông Sáu Dân lại đến gặp ông Năm Bình ở trụ sở báo Công Giáo Dân Tộc, kể cả khi ông đã chuyển ra công tác Hà Nội thì những cuộc gặp có thưa hơn nhưng vẫn duy trì.

"Nhờ hai ông mà quan hệ giữa Công giáo và chính quyền ở TP.HCM nhẹ nhàng chứ không căng như nhiều địa phương khác dẫu vẫn có rất nhiều sự biến xảy ra", linh mục Huỳnh Công Minh nhắc về hai người thân thiết trong đời. Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã viết cho các giáo dân của mình: "Là người Công giáo, chúng ta gặp Chúa trong lòng dân tộc. Đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết". 

Còn ông Sáu Dân đã từng viết về ông Năm Bình: "Giữa bao mặc cảm và cả ngộ nhận, ông đã chia sẻ với một người cộng sản không phải để chiều thời mà để xây dựng trần thế. Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là một tấm gương về sự kiên trì xóa bỏ thành kiến bằng cách chủ động bước vào cuộc sống mới, tạo ra thực tế mới để xây dựng niềm tin chân thành, vững chắc".

"Còn về tôi - linh mục Huỳnh Công Minh nhớ rành mạch - sau rất nhiều lần tôi tìm đến bí thư trình bày các vấn đề của giáo dân, ông đã đề nghị tôi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa Quốc hội thống nhất đầu tiên. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được việc đó, nhưng rồi tôi đã thành đại biểu, đại diện giáo dân trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đầu tiên do Bí thư Võ Văn Kiệt làm trưởng đoàn. 

Trong các cuộc họp, ông luôn dặn tôi: "Thời gian có ít, linh mục hãy chọn phát biểu, đề xuất lên Quốc hội những việc gì để giúp người con Chúa thấy phù hợp với đời sống mới mà chúng ta đang xây dựng". Từ ông mà tôi đã hiểu người cộng sản hơn, cũng giúp giáo dân chúng tôi được nhiều hơn".

Linh mục Huỳnh Công Minh bật cười kể một chuyện mà ông bảo "thật xấu hổ khi người ta thường đồn các ông lãnh đạo hay quan liêu, thế mà trong chuyện này, tôi là một linh mục cũng được tiếng là gần dân lao động, lại còn quan liêu hơn, không hiểu đời bằng ông bí thư". 

Câu chuyện lại quay về những ngày thành phố thiếu ăn vì chế độ phân phối tem phiếu, vì quan điểm tự sản tự tiêu, vì cấm chợ ngăn sông từ hạt gạo, túi đường. Nhiều người đã kể chuyện ông bí thư Sáu Dân ngày ấy cho nhân viên chở từng túi gạo đi tiếp tế đến các trí thức, văn nghệ sĩ mà ông biết phiếu gạo không đủ lo cho cả gia đình. Nhân viên của ông cũng đã chở gạo đến gặp linh mục Minh. 

Linh mục từ chối: "Tôi đã được giáo dân tiếp tế, lại có thêm mẹ tôi ở Củ Chi cho thêm rau củ. Nhà thờ không đến nỗi thiếu. Cảm ơn ông bí thư". Thế nhưng hôm sau lại thấy ông Ba Huấn (Nguyễn Văn Huấn - phó chủ tịch TP.HCM thời ấy) đi xe đến: "Anh Sáu nói nhờ linh mục dẫn đường đến thăm các sơ ở Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm".

Đường sang Thủ Thiêm ngày ấy chưa có cầu, chưa có hầm, đi xe phải vòng qua cầu Sài Gòn sang Thủ Đức, quanh co đường ruộng sình lầy mãi mới đến nơi. 

Linh mục Huỳnh Công Minh cười đỏ mặt ở tuổi 81 hôm nay: "Tới rồi thì tôi thấy mình thật có lỗi quá. Các sơ không đủ gạo, vất vả nuôi trồng, Thủ Thiêm hoang sơ, giáo dân nghèo, không người tiếp tế. Mấy bao gạo, thực phẩm được khiêng xuống, mừng chi mà mừng. Ông bí thư lại sâu sát hơn cả tôi, biết được cả cảnh khổ mà các sơ đã chẳng bao giờ hở môi...".

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp chuyện nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tại khách sạn Sheraton năm 2007. Ảnh: Minh Đức

Một lựa chọn - Triệu tấm lòng

Những câu chuyện nho nhỏ như vậy hôm nay đã trở thành chuyện trăm năm Võ Văn Kiệt mà nhiều người vẫn cứ kể mãi về ông không dứt. Nghe những chuyện như vậy chợt hiểu "sức hấp dẫn Sáu Dân" của ông từ đâu mà tỏa ra không những đến những tầng lớp người Việt mà đến cả những lãnh đạo đồng cấp với ông ở nước ngoài. Ấy là từ tấm lòng rộng mở với tất cả nhưng chọn lựa lại đinh ninh chỉ một: vì mọi người, vì đất nước, vì dân tộc, vì lẽ phải.

Một lựa chọn ấy thôi và ông sẵn sàng nghe, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng dẫn dắt. Ngay như tôi, 20 năm trước là một phóng viên mới vào nghề, chưa biết gì về cuộc đời và càng chưa hiểu gì về Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay ông Sáu Dân, nhưng tôi đã được ông cho hẹn gặp riêng chỉ để ghi ý kiến về chuyện oan khuất của một người đồng chí, đã được cho phép tham dự những cuộc họp với các nhóm trí thức mà ông vẫn thường xuyên tổ chức kể cả khi đã nghỉ hưu. 

Chính trong những cuộc tiếp xúc trực tiếp ấy mà tôi hiểu được những bước đi của người lãnh đạo như ông hóa ra không hề dễ dàng mà vẫn chông gai, những ý kiến của người có uy tín lớn như ông hóa ra vẫn có thể rơi vào thinh lặng. 

Ở bên cạnh ông, những nhà khoa học, nhà kinh tế không phải không có lúc buồn, nhưng ông Sáu Dân không cho phép nản lòng. Ông khẳng định: "Miễn là việc đúng, việc hợp lý, khả thi, miễn là việc vì lợi ích chung, miễn là có sự vào cuộc tâm huyết của khoa học, đề xuất lần thứ ba chưa được thì lần thứ tư, thứ năm, không ngại "bất quá tam". Làm việc vì dân, vì nước thì phải kiên nhẫn".

Cùng trách nhiệm với tương lai đất nước

Bao nhiêu người đã quy tụ quanh ông Sáu Dân như thế, và ông luôn bên cạnh, chào đón, bảo vệ họ: "Tổ quốc không của riêng người cộng sản, cũng không của riêng tôn phái nào, mà là cội nguồn cảm thông và gắn bó chặt chẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Chúng ta không nên và không thể đòi hỏi toàn xã hội đều có hành động yêu nước giống nhau. Mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh, nếu khơi dậy đúng đắn mạch nguồn dân tộc, sẽ có những cách yêu nước phù hợp khác nhau, miễn là mọi người hợp lực cùng đảm đương trách nhiệm với tương lai tươi sáng của đất nước".

>> Kỳ tới: Nặng lòng với thửa ruộng, hạt lúa của dân nghèo

tuoitre.vn