ĐBQH Đắk Nông thảo luận về các dự án luật
Chính trị - Ngày đăng : 18:18, 10/11/2022
Tham gia thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, với tên gọi “Luật Hợp tác xã” gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người dân từ lâu. Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của Luật; nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải đổi tên Luật. Còn với tên luật là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác đúng với nội hàm, phù hợp với các quan hệ giữa cá nhân - cá nhân, cá nhân - tổ chức trong các tổ chức kinh tế khác và đúng với định hướng của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tên gọi của dự án Luật để thể hiện rõ quan điểm xây dựng Luật, đồng thời, đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy của việc thay đổi tên gọi để các đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) |
Thứ hai, về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Nhằm việc hạn chế hỗ trợ theo kiểu “xin – cho”, đề nghị ban hành các quy định để các hợp tác xã được thụ hưởng các chính sách đó, chẳng hạn như: doanh thu từ làm dịch vụ đầu vào cho các thành viên hợp tác xã thì được miễn không thu thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản doanh thu khác được miễn giảm 50% so với các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề và phần miễn giảm này phải được đưa vào quỹ phát triển hợp tác xã.
Thứ ba, về kiểm toán hợp tác xã: Việc đưa vào nội dung kiểm toán hợp tác xã là phù hợp vì xu hướng của nền kinh tế thị trường hiện nay, muốn lớn mạnh, phát triển thì phải minh bạch, muốn minh bạch thì phải có kiểm toán. Phải thực hiện kiểm toán khi mở rộng một phần góp vốn; khi mua cổ phần, cổ phiếu bên ngoài phải kiểm toán… Đồng thời, thành viên mới nắm rõ được năng lực, tiềm lực của hợp tác xã khi tham gia góp vốn nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo rà soát việc quy định ở khoản 4 và khoản 5, Điều 51 của dự thảo Luật có mâu thuẫn nhau vì khi đã đi thuê giám đốc và trưởng kiểm soát thì Hội đồng quản trị có quyền chấm dứt hợp đồng mà không cần phải tổ chức Đại hội thành viên để miễn nhiệm.
Góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông có ý kiến: Đối với các quy định tại mục I chương III giao dịch từ xa, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định các nội dung liên quan đến giao dịch điện tử như: Giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa (Điều 39), Giao dịch trên không gian mạng (Điều 40) để phù hợp, thống nhất với các quy định tại dự thảo Luật Giao địch điện tử (sửa đổi) đang lấy ý kiến hiện nay.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Về vấn đề sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng quy định tại các Điều 8 (Trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng), Điều 9 (Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng), Điều 10 (Thông tin khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng) và Điều 11 (Sử dụng thông tin của người tiêu dùng): Thời gian qua trên thực tế, thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau. Vấn đề thu thập thông tin ban đầu là chính sách nhưng sử dụng thông tin không đúng mục đích ban đầu đang là vấn nạn hiện nay. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn những chế tài để bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng. Vì vậy, dự thảo luật cũng cần bổ sung các quy định nhằm điều chỉnh vấn đề này để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Điều 7 dự thảo Luật có nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tuy nhiên chưa đề cập đến các hành vi cụ thể tác động đến đối tượng, gây tổn thương cho các đối tượng này (ví dụ như hành vi phân biệt đối xử) để dẫn đến việc pháp luật cần bảo vệ.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc gộp điểm đ Điều 7 (Phụ nữ đang mang thai) và điểm e, Điều 7 (Phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi) thành một điểm đ với nội dung “Phụ nữ đang mang thai; phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi” vì những quy định này có chung một đối tượng điều chỉnh là phụ nữ.
Tại khoản 3, Điều 11 dự thảo Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý”.
Tuy nhiên, có những trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải thực hiện nghĩa vụ thông báo khi thu thập thông tin (cụ thể quy định tại khoản 3, Điều 10 dự thảo Luật). Như vậy, các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải thực hiện nghĩa vụ thông báo khi thu thập thông tin sẽ không có quy định điều chỉnh. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trường hợp này để dễ dàng áp dụng vào thực tiễn khi luật có hiệu lực thi hành.
Tại khoản 3, Điều 12 dự thảo Luật có nội dung: “Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng”. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ “cơ quan chức năng” nêu trên là cơ quan nào để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế. Ngoài ra, Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đưa ra các yêu cầu nội dung này. Do đó, cần rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo Luật nhằm đảm bảo sự tương thích, thống nhất nội dung các văn bản pháp luật liên quan....