ĐBQH Dương Khắc Mai góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 18:11, 14/11/2022
Tham gia thảo luận dự án luật này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các Luật liên quan. Đặc biệt là để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; từ đó giải quyết được các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn lực về đất đai hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) |
Góp ý cụ thể cho dự án Luật này, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc sắp xếp thứ tự các chương như dự thảo hiện nay là chưa phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đưa quy định về “Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” tại Chương X lên trước Chương VI quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất để đảm bảo tính logic theo tuần tự là công nhận quyền sử dụng đất - giao đất cho thuê đất - trưng dụng, thu hồi…
Tại Điều 4 dự thảo Luật về “Áp dụng pháp luật” quy định: “Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật này. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”, đại biểu cho rằng chưa phù hợp với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần rà soát quy định lại cho phù hợp, thống nhất.
Tại khoản 5, Điều 68 dự thảo Luật về Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nội dung: “… Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung này, vì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cho nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực… đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Đồng thời, đối với địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn huyện thì không thể thực hiện theo quy định nêu trên.
Tại khoản 3, Điều 127 dự thảo Luật quy định, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp: “Người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên”. Tuy nhiên, Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: “Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên...”. Như vậy, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, nhưng thu tiền thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên; không giao đất rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân; do đó, không thống nhất với quy định tại khoản 5, Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Điều 129 về Cho thuê đất: Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 2, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê cho phù hợp với từng vùng miền, địa phương. Nếu quy định như dự thảo Luật thì nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn khó thu hút được các nhà đầu tư. Vì lý do nếu nộp tiền thuê đất một lần thì nhà đầu tư mới có cơ sở thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn phát triển, đầu tư trở lại cho dự án của mình. Điều 147 Công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Toàn cảnh đại biểu Dương Khắc Mai góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) |
Tại điểm a, khoản 2 quy định “2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định khoản 1 Điều này thì được công nhận quyền sử dụng đất nếu có các điều kiện như sau:
a. Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai;”
Đề nghị bỏ cụm từ “không thuộc trường hợp lấn, chiếm đất” tại điểm a khoản 2, Điều 147 dự thảo Luật Đất đai để đảm bảo việc thực hiện Điều 35 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hướng dẫn cấp GCN QSD đất với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có trường hợp lấn, chiếm đất “Điều 35. Công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014” là không trái với luật.
Điều 181 về Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Tại khoản 1 quy định về “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 180 của Luật này”. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại cho phù hợp hơn với xu thế phát triển ngày nay là tích tụ ruộng đất nhằm có vùng sản xuất lớn để tạo ra sản lượng và sự đồng bộ của sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu thụ sản phẩm.
Điều 208 quy định về “Đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất để thực hiện dự án hợp tác công tư có sử dụng đất (dự án PPP)…”Đối với các dự án thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức PPP vừa có mục đích công cộng, vừa có mục đích kinh doanh (Nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn), nên thuộc diện Nhà nước cho thuê đất. Tuy nhiên, các dự án giao thông đường bộ thường có quy mô sử dụng đất lớn, nên rất khó để xác định tiền thuê đất và việc phải nộp tiền sử dụng đất sẽ làm tăng kinh phí đầu tư rất nhiều, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do phải trả phí sử dụng cao. Đồng thời, khi hết thời gian hoàn vốn thì Nhà đầu tư phải chuyển giao lại cho Nhà nước quản lý theo quy định. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định trường hợp các dự án đầu tư theo phương thức PPP phải thuê đất và trường hợp các dự án đầu tư theo phương thức PPP được giao đất không thu tiền sử dụng đất.