Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
Chính trị - Ngày đăng : 09:15, 06/01/2021
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ lâm thời đã chuẩn bị kỹ lưỡng và ban hành các sắc lệnh về mở cuộc tổng tuyển cử và thể lệ tổng tuyển cử trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tin tức của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được đăng tải kịp thời trên các báo làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của cả nước. Trên báo Cứu quốc, số 411, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tìm người tài đức, trong đó Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức… Các địa phương phải lập tức điều tra mời người tài đức, có thể làm ích nước lợi dân thì phải báo ngay cho Chính phủ biết”.
Theo đó, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
Trên Báo Cứu Quốc, số 130, ra ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài Ý nghĩa của Tổng tuyển cử, trong đó Người viết: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết… Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này”.
Trên Báo Cứu quốc, số 134, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Trong đó, Người nhấn mạnh: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Tuy ngắn gọn nhưng Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu đã khẳng định được bầu cử là để thực thi chế độ dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Ngày 5/1/1946, trong buổi lễ ra mắt các ứng cử viên tại Việt Nam học xá, Bác nói: “Từ xưa đến nay, toàn dân chưa bao giờ tuyển cử, vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình… Ta đã phải hy sinh nhiều mới có quyền cầm cái lá phiếu ngày nay đó... Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay”. Cho nên, “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
Sáng 6/1/1946, Báo Cứu quốc ra số đặc biệt với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta hãy nghỉ việc, để đến trước thùng phiếu… chúng ta hãy tỉnh táo để kiểm điểm công tác của ủy ban khu mình, đấy là một cách bảo vệ quyền hạn của mình. Đến khi đóng hoặc mở thùng phiếu, chúng ta hãy đòi cho được sự phân minh. Ngay cả ở lần viết hộ, chúng ta cũng nên có mặt để xem xét. Có quyền mà không tìm cách dùng quyền cho sáng suốt, ấy là tự mình hủy quyền của mình. Hỡi các bạn cử tri, ta chớ quên điều ấy”. Cùng ngày, Báo Quốc hội, số đặc biệt đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích Lời kêu gọi của Người.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Cả nước bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số…