Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội, HĐND
Chính trị - Ngày đăng : 09:01, 04/03/2021
Tranh tư liệu |
Xây dựng một Nhà nước do Nhân dân lao động làm chủ; trong đó Nhân dân là người nắm giữ mọi quyền lực, còn các cơ quan Nhà nước là người được ủy quyền, thực hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, trở thành công bộc của Nhân dân là tư tưởng, quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính chất Nhà nước dân chủ Nhân dân là do Nhân dân trực tiếp tổ chức, xây dựng thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu.
Thông qua việc bầu Quốc hội, HĐND, Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và đại diện. Quyền lực tối cao của Nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp mà còn ở quyền bãi miễn, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu và các cơ quan công quyền của Nhà nước. Cơ chế dân chủ này nhằm làm cho Quốc hội, Nhà nước được trong sạch, giữ được phẩm chất, năng lực hoạt động. Với vai trò làm chủ Nhà nước, thực hiện sự ủy quyền của Nhân dân, các đại biểu được bầu ra phải có trách nhiệm gần gũi, sâu sát để hiểu dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, bàn và giải quyết những vấn đề thiết thực cho quốc kế dân sinh.
Về phía Nhân dân, là người làm chủ Nhà nước, có quyền thông qua cơ chế dân chủ để thực thi quyền lực, đồng thời có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Nhà nước, làm cho Nhà nước ngày càng hoàn thiện, trong sạch, vững mạnh. Được Nhân dân tổ chức, xây dựng và là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thì Nhà nước phải luôn phát huy trách nhiệm, phục vụ quyền lợi của Nhân dân.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật sự khác nhau căn bản về bản chất giữa Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với các loại hình nhà nước trước đó. Người nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Muốn đạt được mục đích đó, vấn đề đặt ra là phải bằng mọi cách giữ cho được định hướng hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho bộ máy thật sự trong sạch. Nguy hại nhất là khi được Nhân dân ủy quyền, một số cán bộ, công chức “đã vác mặt làm quan cách mạng”, kéo bè, kéo cánh để thu vén lợi ích cá nhân. Vì vậy, chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục những tiêu cực trong bộ máy Nhà nước là nhu cầu và việc làm thường xuyên, đồng thời cũng là trách nhiệm, quyền lợi của Nhân dân để bảo đảm cho Nhà nước thật sự là công bộc của dân.
Trong nhiều năm qua, cùng với sự đổi mới hệ thống chính trị, Nhà nước ta tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, nền hành chính ngày càng được cải cách theo hướng trọng dân, gần dân. Quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực ngày càng được phát huy, một số chính sách và quy chế bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân, nhất là ở cơ sở ngày càng được mở rộng, thực hiện.
Trong bối cảnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu; nền kinh tế mở cửa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang có những thách thức mới, đòi hỏi Nhà nước ta phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy hơn nữa vai trò, năng lực điều hành. Trong đó, bằng việc phát huy quyền làm chủ, Nhân dân cũng phải luôn xác định vai trò chủ thể của mình, có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.