Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Kỳ vọng vào những chiến lược thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương
Nghị quyết và cuộc sống - Ngày đăng : 15:41, 27/01/2021
Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông đến dự phiên thảo luận sáng 27/1 tại Đại hội XIII của Đảng |
Thúc đẩy chiến lược đột phá ở Đắk Nông
Ngay trong giờ giải lao, đồng chí Bùi Huy Thành, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông đã dành thời gian trao đổi với các cơ quan báo chí. Theo ông, trong văn kiện trình Đại hội có nhấn mạnh đến ba đột phá chiến lược, đó là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đột phá nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Những vấn đề này rất phù hợp với định hướng phát triển của khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.
“Đối với Tây Nguyên và nhất là Đắk Nông, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh đã đề cập đến 3 đột phá này. Đó là đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với đột phá thứ nhất của Đảng. Đột phá thứ 2, phát triển nguồn nhân lực cũng phù hợp với đột phá của Đảng. Đột phá thứ 3 của tỉnh Đắk Nông là xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh, cũng như vùng Tây Nguyên phát triển trong những năm tới”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Huy Thành phân tích thêm.
Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, trong các văn kiện Đại hội, nhất là phương hướng nhiệm kỳ tới nêu rất rõ phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin. "Như tôi đã nói, nguồn nhân lực sẽ quyết định đến mọi thành bại trong sự phát triển của đất nước…", đồng chí Bùi Huy Thành nhấn mạnh.
Đồng chí Bùi Huy Thành, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí |
Mong muốn đưa kinh tế vùng phát triển
Qua nghiên cứu các văn kiện Đại hội, đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ: Nếu nhìn lại trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam là một trong những nước kém phát triển của thế giới.
Tuy nhiên, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã trở thành nước phát triển trung bình thấp và Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước đứng đầu Đông Nam Á. Phải nói đây là thành tựu hết sức ấn tượng.
Để đạt được những kết quả ấy là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với đường lối sáng tạo và linh hoạt trong từng thời kỳ gắn với thực tiễn phát triển đất nước, sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc xây dựng đất nước.
Từ những thành tựu này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành kỳ vọng, nhiệm kỳ tới Đảng sẽ có nhiều quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để vùng Tây Nguyên nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung và các nước Lào, Campuchia. Điều này sẽ giúp khu vực Tây Nguyên trỗi dậy và phát triển lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất quan trọng |
Liên quan đến việc phát triển kinh tế vùng, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, mặc dù thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng, nhất là phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao.
Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung cần tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư. Việc dành nhiều nguồn lực đầu tư trong những năm tới, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn sẽ giúp thúc đẩy kinh tế của cả vùng ngày càng phát triển.