Đắk Glong trên hành trình phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo
Nghị quyết và cuộc sống - Ngày đăng : 09:28, 08/09/2021
Dấu ấn Quảng Khê
Với gần 3 ha đất trồng cà phê nhưng do đông con, việc canh tác không được đầu tư chăm sóc đầy đủ, bài bản nên năng suất không cao, và cái nghèo cứ mãi đeo bám hộ ông K’Nhông ở bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê (Đắk Glong).
Với hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên, gia đình ông K’Nhông đã thoát nghèo |
Nắm bắt được điều này, nhiều năm qua, xã Quảng Khê đã chú trọng thực hiện các hình thức hỗ trợ để gia đình ông K’Nhông có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Cùng với chính sách được hưởng về y tế, giáo dục, vật tư nông nghiệp, ông K’Nhông được vay vốn ưu đãi, được hướng dẫn kỹ thuật để trồng thêm các cây ngắn ngày. Nhờ đó, gia đình ông K’Nhông đã có điều kiện đầu tư sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập.
Công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền từ xã đến bon đã góp phần nâng cao ý chí nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong năm 2020. Ông K’Nhông chia sẻ: “Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo. Gia đình rất vui mừng, từ giờ trở đi sẽ nỗ lực làm ăn để không tái nghèo, làm gương cho con cháu".
Với quyết tâm giảm thành công tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020, từ nhiều năm nay, xã Quảng Khê luôn đề ra các giải pháp để xóa nghèo. Đến nay Quảng Khê chỉ còn 5,77% hộ nghèo và đầu năm 2021 được công nhận xã nông thôn mới.
Theo ông Phạm Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, năm 2020 xã được xem là một trong những địa phương của toàn tỉnh đạt nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo. Từ tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2020 là 21,7% đến cuối năm toàn xã giảm chỉ còn 5,77%. Để đạt được kết quả như trên trước hết là sự nỗ lực của toàn thể Nhân dân, nhất là những hộ nằm trong diện hộ nghèo. Bà con đã nhận thức sâu sắc về việc cần phải nỗ lực vươn lên thoát nghèo để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, dành nguồn lực cho sự phát triển chung của địa phương.
Quảng Khê nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp sức của huyện trong việc ưu tiên các nguồn lực về giảm nghèo để địa phương tập trung hỗ trợ sinh kế thoát nghèo cho người dân. Cùng với thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo đã góp phần vào thành công trong công tác xóa nghèo tại địa phương.
Giảm trên 13% hộ nghèo
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, dân di cư tự phát vào địa bàn nhiều nên công tác giảm nghèo luôn là bài toán khó đặt ra cho huyện Đắk Glong. Vì vậy, trong triển khai các chương trình, nguồn vốn, địa phương đề ra mục tiêu phải đạt kết quả cao nhất, nguồn lực đầu tư phải đúng đối tượng, đúng mục đích phát huy hiệu quả.
Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như y tế, giáo dục, tín dụng, khuyến nông - lâm, nước sinh hoạt, xóa nhà tạm dột nát, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động...đã giải quyết được những khó khăn của người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Cán bộ xã Quảng Khê thường xuyên bám cơ sở, nắm bắt tình hình của hộ mới thoát nghèo trên địa bàn |
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Phòng LĐTB - XH huyện Đắk Glong, hàng năm đơn vị tham mưu UBND huyện rà soát cụ thể các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có các chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Mặt khác, trên cơ sở tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện triển khai đến các địa phương và từng người dân được thụ hưởng. Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên được quan tâm, bảo đảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đúng đối tượng, tránh sai sót. Qua nắm bắt các chính sách đặc thù về giảm nghèo đều đến được với người dân, nhất là các nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng để yếu thế, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn…
Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng, cộng với sự hưởng ứng, nỗ lực vươn lên của chính người nghèo, nên năm 2020 huyện Đắk Glong đã giảm được trên 13% hộ nghèo (từ 40,9% giảm xuống còn 27,6%).
Khơi dậy tinh thần vươn lên
Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Glong lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bàn thảo và xác định nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tỷ lệ nghèo còn cao.
Theo đánh giá, nguyên nhân đầu tiên là do huyện Đắk Glong mới được thành lập từ năm 2005, hạ tầng ban đầu còn thấp kém. Những năm qua, tình hình dân di cư tự do đến địa bàn với số lượng rất lớn và hầu hết là người dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Trong khi đó, huyện lại đang có trên 60% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do trình độ canh tác, nhận thức hạn chế nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm còn kém.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3-5% (các xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 20%, hàng năm giảm từ 2-3%; các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%, hàng năm giảm từ 3-5%).
Trên tinh thần nghị quyết đại hội, Huyện ủy Đắk Glong đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 11/11/2020 về việc tăng cường công tác giảm nghèo bền vững huyện Đắk Glong giai đoạn 2020-2025. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 72 để thực hiện giảm nghèo bền vững huyện Đắk Glong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện Đắk Glong sẽ thoát khỏi huyện nghèo.
Theo Nghị quyết số 04 ngày 11/11/2020 về việc tăng cường công tác giảm nghèo bền vững huyện Đắk Glong giai đoạn 2020-2025 của Huyện ủy Đắk Glong thì địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của UBND huyện và tình hình thực tế của địa phương, các xã xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo, đề ra biện pháp cụ thể phù hợp để các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo.
Huyện lồng ghép, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về giảm nghèo của Nhà nước, các chương trình, dự án giảm nghèo, để từ đó làm nền tảng cho các hộ nghèo có điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế. Địa phương vận động các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp mọi mặt để cùng góp sức đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững.
Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, huyện xây dựng mô hình sản xuất giỏi, có hiệu quả, từ đó tổ chức triển khai nhân rộng. Tại các thôn, bon thành lập các tổ, nhóm để giúp đỡ, tương trợ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế. Công tác đào tạo nghề, nhất là các ngành nghề thiết thực cho người dân như trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy nông cụ, xây dựng và tổ chức các đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức làm ăn cho các hộ.
Nguồn vốn vay cho hộ nghèo về giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa nhà tạm dột nát… được tận dụng để giúp người dân chủ động đầu tư kịp thời cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống. Huyện triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với hộ thoát nghèo nhằm hạn chế tối đa số hộ tái nghèo hàng năm…
Đặc biệt, Đắk Glong tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục để hộ nghèo, cận nghèo thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ đó tích cực tham gia thực hiện tốt các dự án, chương trình giảm nghèo và nỗ lực phấn đấu vươn lên sớm thoát nghèo bền vững.