Bảo đảm phòng dịch, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản
Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND - Ngày đăng : 09:50, 19/08/2021
Sau khi nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến trình bày báo cáo kết quả đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến trình bày báo cáo kết quả đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH tại kỳ họp thứ 2 |
Báo cáo thẩm tra đã tập trung phân tích, chỉ ra nguyên nhân đạt được, những yếu kém, hạn chế cần tập trung khắc phục. Cụ thể, việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả nhất định. Trong 11 nhóm chỉ tiêu phát triển KT-XH phần lớn đạt khá, tốt. Chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch là phản ánh thực tế khách quan khó khăn, thách thức của tỉnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Riêng chỉ tiêu về môi trường (tỷ lệ độ che phủ rừng) cần có giải pháp hữu hiệu, vì đây là chỉ tiêu tồn tại nhiều năm qua.
Thống nhất cao với các giải pháp đề ra trong 6 tháng cuối năm, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động xây dựng các kịch bản có thể xảy ra để có các chương trình, kế hoạch, biện pháp hành động tương thích, phù hợp, cụ thể, vừa chống dịch nhưng phải tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản. Trong mọi hoàn cảnh, tỉnh không để thiếu các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng sản phẩm nông nghiệp tồn đọng tại nơi sản xuất.
UBND tỉnh có phương án xử lý dứt điểm những hạn chế trong xây dựng cơ bản, từ đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách; không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người, tạo "điểm nóng" khiến cho nhiều dư luận trái chiều, sai thực tế.
Ngành Y tế hơn lúc nào hết phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Công tác tiêm chủng phải đẩy nhanh và tùy theo lượng vắc xin được phân bổ để có kế hoạch kịp thời, đúng đối tượng.
Kỳ họp dành thời gian nghe các tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình |
Ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, ngành cần chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình kiểm dịch; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín... để góp phần ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi nhất cho nông dân.
Tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ người dân, người lao động, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở về từ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Về lâu dài, tỉnh cần có giải pháp tạo việc làm, tạo thu nhập cho lực lượng lao động này.
Theo chương trình, chiều 19 và ngày 20/8, kỳ họp sẽ tiếp tục nghe các báo cáo, tờ trình, tiến hành thảo luận tại hội trường về các vấn đề nêu ra tại kỳ họp.