Lan tỏa tinh thần tiên phong, nêu gương (kỳ 2): Chung sức, giúp dân thoát nghèo
Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 08:35, 25/11/2021
110 nhóm đảng viên giúp hộ nghèo
Trường Xuân là một trong những tổ chức đảng được đánh giá cao trong triển khai thực hiện mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo”. Theo ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, ngay sau khi Huyện ủy Đắk Song xây dựng kế hoạch về việc "5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo", Đảng ủy xã bắt tay thực hiện ngay. Trên cơ sở danh sách các hộ nghèo đã được rà soát, Đảng ủy phân công, giao cho các đảng viên trực tiếp khảo sát nguyên nhân nghèo, nhu cầu thực tế cần được giúp đỡ để xây dựng các phương án, lộ trình cụ thể nhằm từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân.
Bà Trần Thị Mầu ở bon Jâng Plei 3 là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được 5 đảng viên đăng ký giúp đỡ thoát nghèo. Sau khi tìm hiểu, nhóm đảng viên do bà Nguyễn Thị Thủy, Chi bộ bon Jâng Plei 3 làm trưởng nhóm nhận thấy, nhu cầu của gia đình bà Mầu là cây con giống, kỹ thuật, ngày công, vốn đầu tư… Từ đó, nhóm lên kế hoạch giúp đỡ cụ thể trong khả năng của mình và vận động thêm các nguồn lực khác.
Từ sự giúp đơc của đảng viên, nhiều gia đình ở xã Trường Xuân ( Đắk Song) có thêm động lực vươn lên thoát nghèo. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Qua đóng góp của các thành viên và vận động, kêu gọi, nhóm đã hỗ trợ 1 cặp dê giống, 100 con gà giống, 30 cây bơ giống và thức ăn chăn nuôi, phân bón. Nhóm đề xuất với cơ quan chức năng hỗ trợ các chính sách theo quy định như cho vay thêm vốn để giúp bà Mầu vươn lên.
Cũng thông qua việc tìm hiểu hoàn cảnh thực tế, nhóm quyết định hỗ trợ gia đình bà Mầu tivi, đầu thu, sách giáo khoa, đồng phục, đồ dùng học tập phục vụ sinh hoạt gia đình và các con của bà tiếp tục đến trường. Các thành viên thường xuyên hướng dẫn gia đình về cách chăn nuôi, động viên cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, đến nay, gia đình bà Mầu đã có nhiều đổi thay hơn trước…
Nhóm đảng viên do ông Nguyễn Tài Mệnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trường Xuân làm trưởng nhóm cũng từng bước phát huy vai trò giúp đỡ bà con khó khăn. Ông Mệnh thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của hộ gia đình để việc giúp đỡ hiệu quả, theo hướng “trao cần câu", vừa khuyến khích phát huy nội lực, vừa trao kiến thức, kỹ năng để vươn lên thoát nghèo. Đến nay, nhóm ông Mệnh đã đóng góp hỗ trợ hộ gia đình nghèo 1 con dê giống. Các đảng viên còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, làm chuồng trại, thức ăn, cải tạo vườn cây…
Xã Trường Xuân hiện có 110 nhóm đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2020, các nhóm đã giúp đỡ được 73 hộ thoát được nghèo. Điều đáng nói, từ sự hỗ trợ của nhóm, bản thân các gia đình được giúp đỡ ngày càng tích cực, chủ động hơn trong lao động sản xuất, không trông chờ ỷ lại mà luôn nỗ lực vươn lên.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Anh cho biết: “Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện cho thấy, mô hình đã được đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao. Việc giúp đỡ hộ nghèo thiết thực còn là cách để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, củng cố hơn nữa niềm tin của dân đối với Đảng”.
Các đảng viên giúp hộ nghèo tại bon Bu N’Jang, xã Trường Xuân về con giống và kỹ thuật chăm sóc vật nuôi |
Góp phần cổ vũ bà con
Theo ông Lê Năng Diệp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song, mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo” được triển khai hơn một năm. Tên gọi là vậy, nhưng tùy điều kiện thực tế mà mỗi nhóm có thể số đảng viên nhiều hoặc ít hơn cùng giúp 1 gia đình.
Để việc triển khai mang lại hiệu quả, các nhóm đảng viên đã chủ động xuống thăm, tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hộ nghèo và bàn bạc thống nhất phương án, kế hoạch để xây dựng các hình thức giúp đỡ phù hợp. Nhóm thì tuyên truyền cho hộ nghèo hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình, qua đó động viên, khích lệ họ chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, không trông chờ, ỷ lại.
Nhiều nhóm thì vận động hộ nghèo phát huy những nguồn lực sẵn có như đất đai, ao hồ, cây trồng, vật nuôi, nguồn lao động để tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng nguồn thu cho gia đình. Những hộ thiếu vốn thì được tư vấn vay thêm vốn từ các ngân hàng để đầu tư sản xuất, cải tạo vườn cây già cỗi, kém hiệu quả, trồng thêm các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng, điều, cà phê và phát triển chăn nuôi bò, dê, heo, gà, thỏ, ngan, cá… Những gia đình đông con thì nhóm tập trung tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình…
Định kỳ, đảng ủy các xã, thị trấn đều lồng ghép đánh giá kết quả thực hiện, lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các nhóm trưởng trong thực hiện mô hình để bảo đảm việc triển khai đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, báo cáo. Việc trao đổi thông tin, bàn bạc kế hoạch, xin ý kiến, báo cáo tiến độ triển khai để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả thực hiện cũng được chú trọng.
Tính đến nay, các tổ chức cơ sở đảng đã phối hợp vận động, huy động các nguồn lực được trên 1,163 tỷ đồng giúp người nghèo, Ngoài ra, các nhóm còn huy động nhiều nguồn lực khác nhằm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, xây nhà vệ sinh, đào giếng, mua máy móc phục vụ sản xuất, phân bón, cây con giống, thức ăn nuôi ngan, gà, làm chuồng trại chăn nuôi…
Từ hiệu quả của mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo” và nhiều chương trình giúp đỡ khác mà tỷ lệ hộ nghèo trong huyện đã giảm đáng kể. Năm 2020, toàn huyện Đắk Song đã giảm được 2,83% hộ nghèo trên tổng số hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3,28%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 5,42%. |
Mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo” là một trong những cách để cán bộ, đảng viên từng bước phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với người dân nơi sinh sống. Thành công của mô hình là các đảng viên tăng cường đi cơ sở, gần dân hơn, không chỉ nắm bắt điều kiện của gia đình cần giúp đỡ, mà hiểu hơn về cuộc sống của bà con, từ đó có những tham mưu về chủ trương, chính sách sát đúng, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương.
Qua sơ kết 1 năm, Huyện ủy Đắk Song đang tiếp tục triển khai mô hình trong những năm tiếp theo, trên cơ sở khắc phục những hạn chế, linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của người dân.
>> Kỳ 3: Lựa chọn việc trọng tâm, khâu đột phá