Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão

Thời sự - Ngày đăng : 10:16, 08/10/2014

Ngày 7/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Nguyễn Đức Luyện, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tham dự.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Tại hội nghị, sau khi nghe Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương báo cáo về thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu những năm gần đây, các Bộ, ngành cũng đã đưa ra kịch bản mô phỏng bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ ở nước ta.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã nêu lên báo cáo ban đầu về phân vùng, phạm vi gió mạnh của bão, nước biển dâng do bão cho dải ven biển Việt Nam. Theo đó, nước ta chia thành 5 khu vực nguy cơ khác nhau. Vùng ven biển nước ta có nguy cơ bão mạnh, siêu bão đổ bộ với cường độ từ cấp 12, cấp 13 đến cấp 15, 16 kèm theo nước dâng do bão từ 3 – 6m.

Báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng đã chỉ ra tình trạng đáng lo ngại là vùng ĐBSCL khi đánh giá nguy cơ ngập lụt bởi nước dâng do bão. Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão…

Hội nghị đã nghe các địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định trình bày công tác chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão… Nhiều địa phương đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng bản đồ dữ liệu ngập lụt; xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần và vùng nguy cơ cao; bố trí kinh phí đầu tư các công trình nâng cấp đê, hồ đập, thủy lợi, khu neo đậu tránh bão; hỗ trợ các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng bản đồ ngập úng…

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng công tác phòng, chống, ứng phó với bão mạnh, siêu bão là một trong những nhiệm vụ hết sức trọng tâm, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, phải có sự tập trung chỉ đạo, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp của nhiều bộ ngành, địa phương với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Để làm được điều này, ngành chức năng sớm ban hành bản đồ ngập lụt để xác định được các vùng nguy cơ, kịp thời sơ tán người dân. Các địa phương chuẩn bị điều kiện, sẵn sàng cho công tác cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn hồ, đập, giao thông và thông tin liên lạc.

Đồng chí lưu ý, chậm nhất đến tháng 6/2015, các tỉnh, thành phố trong cả nước phải hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng phương án bổ sung cụ thể về công tác ứng phó, phòng chống với bão mạnh, siêu bão.

Hồng Thoan