Việt Nam-Campuchia tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã
Thời sự - Ngày đăng : 09:09, 06/12/2016
Tham gia hội nghị có hơn 40 đại diện các cơ quan thực thi pháp luật như bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm từ 4 tỉnh liên quan Mondulkiri, Kratie (Campuchia) và Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam), Ban quản lý một số vườn quốc gia và khu bảo tồn (VQG & KBT) cùng với đại diện từ các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) cấp quốc gia ở cả hai nước.
Quang cảnh hội nghị |
Tỉnh Mondulkiri và Kratie có chung đường biên giới dài khoảng 400km với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước của Việt Nam, thuộc vùng đồng bằng phía Đông của Campuchia và sườn Tây Nam Trường Sơn, Việt Nam. Khu vực này là sinh cảnh của rất nhiều loài động vật quý hiếm được pháp luật hai nước bảo vệ và nằm trong Sách đỏ IUCN: Voi, bò tót, hổ, chà vá chân đen, vượn má vàng… Đa dạng sinh học của vùng này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ những hoạt động của con người: Chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, săn bắt và buôn bán trái phép lâm sản….
Trong tháng 1/2015, đại diện các cơ quan chức năng và khu bảo tồn của các tỉnh biên giới liên quan đã gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, những khó khăn thách thức trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ rừng và thống nhất 10 hoạt động ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các báo cáo của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) về một số kết quả khảo sát cho thấy tình trạng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp rất phổ biến và công khai tại các tỉnh Mondulkiri, Kratie, trong đó thị trấn Sen Monorom và Snoul là hai địa điểm quan trọng trong mạng lưới thu gom và buôn bán ĐVHD cho các chợ nội địa Campuchia và sang Việt Nam. Bà Sarah Brook – Cố vấn kỹ thuật của WCS tại Campuchia cho biết thêm, ngoài các đường mòn lối mở trái phép, Lộc Ninh, Hoàng Diệu (Bình Phước) và Đắk Puer (Đắk Nông) là những cửa khẩu quan trọng nằm trong tuyến đường vận chuyển ĐVHD trái phép vào Việt Nam.
Về tình hình thực hiện 10 hoạt động ưu tiên đã đề ra trong năm 2015 và việc xây dựng hoạt động cho năm 2017, các bên cho rằng cần có sự quan tâm, tham gia và chỉ đạo mạnh mẽ của các cấp chính quyền từ trung ương xuống địa phương, phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng đơn vị. Chính quyền địa phương cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư hài hòa với các mục tiêu bảo tồn động thực vật hoang dã.
Đại biểu của hai nước thống nhất một số ưu tiên cần thực hiện trong năm 2017 như đề xuất điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các cán bộ thực thi pháp luật có liên quan đến các hoạt động buôn bán lâm sản trái phép;Tổ chức các khóa đào tạo cho các kiểm sát viên và thẩm phán tăng cường kiến thức và kỹ năng xử lý vi phạm trong ngành lâm nghiệp; Khóa tập huấn cho cán bộ thực thi pháp luật về thu thập thông tin và xây dựng hồ sơ vi phạm hiệu quả; Phối hợp khảo sát đa dạng sinh học và theo dõi tình hình biến động, di chuyển của một số loài quan trọng vùng biên giới.
Dự kiến cuộc họp song phương lần thứ ba sẽ được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2017.