Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội góp phần cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép”
Thời sự - Ngày đăng : 15:31, 11/01/2021
Video clip:
Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Theo đánh giá, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế. An sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực. Uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng lên.
Ngành LĐTB-XH không ngừng nỗ lực tham mưu Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định.
Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn có khoảng 79.000 người đi lao động ở nước ngoài. Chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, các địa phương đã tổ chức hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, góp phần ổn định đời sống người dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Đến nay, tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trạng thái bình thường…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành LĐTB-XH vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Nổi lên là độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức.
Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%). Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao (32%), việc làm chưa thực sự bền vững. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội.
Năm 2021, ngành LĐTB-XH tập trung vào việc bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ "hậu Covid"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động;
Ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công; quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.