Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, đề cao trách nhiệm trong phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan
Thời sự - Ngày đăng : 14:08, 17/03/2021
Video clip:
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh và Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Quang Hào đồng chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Trên thế giới đã ghi nhận trên 121 triệu ca mắc Covid-19 và trên 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ và hiện nhiều nước vẫn đang chống chọi với làn sóng dịch bệnh mới, chưa kiểm soát được dịch bệnh. Tại Việt Nam, đến nay cả nước đã ghi nhận 2.560 trường hợp mắc Covid -19 bùng phát theo 4 giai đoạn.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả và đạt kết quả tích cực. Đến nay, cả nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện "mục tiêu kép", vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng chống dịch.
Để bảo đảm vắc xin tiêm phòng Covid -19 cho người dân trong cả nước, Bộ Y tế đã tổ chức mua và nhận vắc xin của một số quốc gia trên thế giới. Cụ thể, Chương trình COVAX Faclility do WHO và GAVI sáng lập sẽ cung cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng miễn phí khoảng 30 triệu liều và dự kiến đến tháng 5/2021 sẽ cấp khoảng 4,1 triệu liều vắc xin đợt đầu tiên cho Việt Nam (vắc xin do AstraZenecca sản xuất).
Nguồn vắc xin của AstraZeneca mua qua Công ty VNVC (khảng 30 triệu liều) đã có 117.600 liều đã về Việt Nam. Các nguồn vắc xin khác, Bộ Y tế đang đàm phán, với dự kiến nhà sản xuất Pfizer có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021…
Song song với nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin Nanocovax do Công ty NANOGEN đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2/2021; vắc xin Covivac do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ 15/3/2021.
Nếu thành công, dự kiến cuối năm 2021 đầu năm 2022, vắc xin Việt Nam sản xuất sẽ sớm ra mắt để bảo đảm nguồn cung, an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.
Tham gia phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua được kiểm soát chặt chẽ, chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid -19. Toàn quân, toàn dân và hệ thống chính trị của tỉnh đã đoàn kết, quyết liệt, đồng loạt triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 song song với phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, các địa phương, đơn vị trong tỉnh luôn chủ động xây dựng các kịch bản, tình huống đối phó với tình hình dịch bệnh theo từng thời điểm, nhất là tại địa bàn các huyện có chung đường biên với nước bạn Campuchia. Hiện tỉnh đang duy trì 25 chốt kiểm soát dịch tại khu vực biên giới và tuyến đường giao thương với các tỉnh có ghi nhận ca bệnh như ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào Đắk Nông.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận và cảm ơn toàn thể Nhân dân, các địa phương, các cấp, các ngành đã đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch suốt thời gian qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các địa phương không được chủ quan trước tình hình dịch bệnh Covid -19 hiện nay. Đối với các địa phương có đường biên giới giáp với các quốc gia khác cần kiểm soát chặt chẽ, không để ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào lãnh thổ.
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường lãnh đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; khi có nguy cơ dịch xảy ra phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch; thực hiện đúng thông điệp 5K vì đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế nhưng vô cùng hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với tinh thần thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch hiệu quả nhưng các ngành, địa phương không để trì trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế, nhất là tại các địa phương không có dịch; hoàn thiện các quy trình bảo đảm an toàn trong các hoạt động kinh tế, xã hội, tổ chức các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
Cả nước chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư nhưng cũng phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là lao động tay nghề cao nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.