Cải cách hành chính có sự đóng góp to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế

Thời sự - Ngày đăng : 17:47, 18/03/2021

Chiều 18/3, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố tổng kết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Video clip:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, đại diện các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, CCHC đã đóng góp to lớn trong mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế

Theo đánh giá, quá trình thực hiện CCHC thời gian qua gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Sau khi Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến CCHC mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả.

Việc công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố đã được tiến hành hằng năm, trở thành một công cụ tốt trong quản lý CCHC, được nhân rộng trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp. Việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và công bố Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hàng năm (SIPAS) đã trở thành thước đo đánh giá khách quan chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thể hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành và một số địa phương. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai còn hình thức, không hiệu quả. Việc kiểm tra CCHC nhiều lúc chưa hiệu quả, còn hình thức. Việc thông tin, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự tạo ra sức lan tỏa tới người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng xã hội trong nhận thức về CCHC, kết quả, tác động của CCHC. Việc nhân rộng những mô hình, sáng kiến, cách làm hay về CCHC còn hạn chế.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 tiếp tục được triển khai, thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của bộ máy hành chính Nhà nước đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Về cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC 10 năm qua, nhất là các thành phố lớn. CCHC Nhà nước là 1 trong 4 cải cách lớn của Chính phủ trong những năm qua (sau cải cách công vụ công chức, cải cách tiền lương và cải cách tư pháp), có sự đóng góp to lớn trong mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn ngày càng cao. Một số địa phương đã thực hiện thí điểm mô hình đô thị thông minh. Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có nhiều đổi mới, nhất là đột phá dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính phủ điện tử...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn chậm trễ. Hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ vẫn còn diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị. Bộ máy Nhà nước vẫn còn cồng kềnh, việc sử dụng kinh phí còn lãng phí. Vì vậy, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần khắc phục những mặt hạn chế để công tác CCHC Nhà nước ngày càng đạt hiệu quả cao.

Hoàng Thanh