Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội
Thời sự - Ngày đăng : 10:55, 22/06/2021
Video clip:
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Huy đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Sĩ Thành chủ trì.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Theo Bộ GD-ĐT, trong những năm qua, người sử dụng ma túy và người nghiện không còn tập trung trong nhóm đối tượng thích ăn chơi, đua đòi, có lối sống buông thả mà ngày càng đa dạng về thành phần, trẻ hóa về độ tuổi. Với sự xuất hiện của nhiều chất hướng thần, hành vi sử dụng ma túy đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho người nghiện, gia đình và trở thành nỗi lo của toàn xã hội.
Về hậu quả, ma túy hủy hoại sức khỏe của người sử dụng, làm biến đổi nhân cách, khiến họ trở thành những kẻ tâm thần, đe dọa sự an toàn của cộng đồng và xã hội. Vì thế, ma túy được coi là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm, là con đường ngắn nhất để dẫn đến HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
Hiện nay, trên cả nước có 5% số người nghiện ở độ tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi); trong đó 50% là trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là con số đáng báo động về tình trạng trẻ hóa trong độ tuổi của người sử dụng ma túy.
Bộ GD-ĐT đánh giá, nhà trường, giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các trường học vẫn thiếu các kỹ năng tư vấn hoặc chưa tạo được sự tin cậy cần thiết để học sinh, sinh viên chia sẻ vướng mắc trong cuộc sống. Những hạn chế trên đã khiến công tác phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội cho thanh thiếu niên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tại Đắk Nông, công tác phòng ngừa ma túy trong học sinh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Sở GD-ĐT tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên.
100% cơ sở giáo dục đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử và phòng ngừa ma túy cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
Công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả đã tạo được sự đồng thuận trong học sinh và phụ huynh. Từ đó, các nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống tội phạm được thực hiện tốt. Số vụ, số người vi phạm pháp luật trong nhà giáo, học sinh giảm thiểu đáng kể. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục không có trường hợp nào vi phạm quy định về phòng, chống ma túy và phải đưa đi cai nghiện ma túy.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT cũng nhìn nhận, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác chưa có chiều sâu, chưa đa dạng về hình thức. Các dịch vụ kinh doanh có điều kiện xuất hiện gần khu vực trường học làm ảnh hưởng đến công tác giáo dục, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội của nhà trường. Công tác phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố, các chuyên gia giáo dục có nhiều tham luận, đưa ra các nhóm giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học.