Diễn đàn đối thoại phát triển địa phương năm 2021
Thời sự - Ngày đăng : 14:40, 13/07/2021
Video clip:
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì; lãnh đạo các bộ, ngành, nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp tham dự.
Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”, hội nghị đã tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp xoay quanh hai chuyên đề: "Quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số" và "Cơ hội tăng trưởng xanh trong trạng thái bình thường mới".
Ý kiến tại diễn đàn cho thấy, "Quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số" trở nên đặc biệt hữu dụng và cấp thiết trong trạng thái bình thường mới, với tầm quan trọng gia tăng của các hoạt động không tiếp xúc trực tiếp trong nền kinh tế, trong quản lý nhà nước và trong xã hội. Với tác động tích cực của chuyển đổi số, thực hiện quản trị thực thi tốt sẽ càng tăng lợi ích cho lãnh đạo và phát triển địa phương. Cụ thể như nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức; đánh giá đúng cán bộ, từ đó tạo động lực làm việc rõ ràng; gắn công việc của mỗi người sát với mục tiêu của cơ quan, hướng tới việc hoàn thành mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả…
"Cơ hội tăng trưởng xanh trong trạng thái bình thường mới" là một phần quan trọng của chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp Việt Nam và các tỉnh, thành nắm bắt các cơ hội mới trong nền kinh tế thế giới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch. Việc nắm bắt cơ hội chuyển đổi nền kinh tế địa phương từ tăng trưởng “nâu” sang tăng trưởng “xanh”, đồng thời giảm thiểu gánh nặng, chi phí về kinh tế và xã hội trong ngắn hạn.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Diễn đàn đối thoại phát triển địa phương năm 2021 |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Diễn đàn đối thoại phát triển địa phương năm 2021 diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025, trong bối cảnh đất nước đang có những chuyển biến rất nhanh với nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Đặc biệt, làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong thực hiện mục tiêu kép.
Vì vậy, trạng thái bình thường mới đòi hỏi các ngành, địa phương phải nắm bắt cơ hội, với nhận thức “trong nguy có cơ”. Ngay lúc này, các ngành, địa phương cần nghĩ đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong hoàn cảnh đại dịch mà ngay sau khi đại dịch kết thúc để đạt được những kết quả khả quan ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ. Đây là tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2026, thiết lập nền tảng thuận lợi cho sự phát triển những năm tiếp theo.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sự thích ứng với thay đổi rất nhanh của tình hình thực tiễn quốc tế và yêu cầu phát triển mới. Văn kiện cũng đề ra định hướng nhất quán phát triển nhanh và bền vững, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, trọng tâm là xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện mới môi trường gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Do đó, các địa phương xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết phải sát thực, tiếp tục có những giải pháp cụ thể, khả thi. Quá trình thực hiện nghị quyết phải tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, với tinh thần lấy hiệu quả công việc, sự tín nhiệm, hài lòng của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và của mỗi cán bộ, đảng viên. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ của Diễn đàn đối thoại phát triển địa phương năm 2021 về sự quyết tâm khắc phục cho bằng được sự chậm trễ, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện chính sách mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.