Chiến lược của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:03, 27/09/2021
Chính thức tham gia "cuộc chơi"
Chiến lược này cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất là tuyên bố của EU về chính thức tham gia "cuộc chơi" lợi ích, vai trò và ảnh hưởng ở khu vực lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Về thời điểm, EU không đi đầu nhưng cũng không đến nỗi chậm chân trong "cuộc chơi" này. "Cuộc chơi" hiện vẫn trong giai đoạn định hình và luật chơi vẫn còn biến động chứ chưa phải đã được xác định.
Việc EU đưa ra chiến lược này không gây bất ngờ bởi khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương thu hút sự quan tâm của thế giới. Trong chiến lược vừa được công bố này, EU không thay đổi mà vận dụng cách tiếp cận như ở các chiến lược trước đây cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. EU khẳng định sự coi trọng dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mời chào tất cả các nước, các bên trong khu vực hợp tác với EU. EU sử dụng mạng lưới các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị và văn hóa đã có chứ không đề xuất cơ chế mới. EU đưa ra trọng tâm và dự án hợp tác cụ thể nhưng tất cả những nội dung ấy đều thấy hiện diện trong chiến lược của EU đối với các khu vực khác trên thế giới.
Xem ra, chủ ý của EU là mời chào chiến lược này như một sự bổ sung cho hợp tác mà các đối tác trong khu vực đang có chứ không phải là sự lựa chọn thay thế. Nói theo cách khác, EU, với chiến lược này, không theo đuổi mục đích cạnh tranh với ai đó khác. Điều này có lợi lớn cho các nước trong khu vực vì hợp tác với EU trong khuôn khổ chiến lược này sẽ không gặp khó khăn và khó xử với các đối tác khác ở trong cũng như ở ngoài khu vực.
Tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle cập cảng căn cứ hải quân Changi, Singapore |
Chưa thể là ưu tiên hàng đầu
Với chiến lược này, EU có thể trở thành một "người chơi" trong "cuộc chơi" lớn ở khu vực nhưng rất khó trở thành một trong những "người chơi" có thế và lực đủ mức để cùng quyết định "cuộc chơi" ấy. Có thể thấy qua đó là ngay từ đầu, EU tránh bị sa vào tình thế khó xử giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực lớn này. EU ganh đua chiến lược với Trung Quốc nhưng không đứng hẳn về phía Mỹ. EU tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc ở khu vực này nhưng lại không để làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác với Mỹ nói chung. EU không có sự lựa chọn nào khác ngoài cách tiếp cận như thế này vì EU bao gồm 27 thành viên và không phải tất cả đều có quan điểm như nhau về Trung Quốc và Mỹ.
Sự cầu toàn của EU trong mục tiêu và cách thức hành động thể hiện trong chiến lược này cho thấy EU coi trọng và đề cao khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn hẳn so với trước đây nhưng điều đó không có nghĩa dành cho khu vực lớn nay ưu tiên chính sách thuộc diện hàng đầu như Mỹ hay Anh. Sau này có thể khác chứ hiện tại, EU vẫn phải ưu tiên cho khu vực gần hơn. EU vẫn còn bận rộn với chính mình và chuyện ở châu Âu trong thời gian không ngắn nữa.
Dù vậy, chiến lược này định hướng một thời kỳ quan hệ hợp tác mới giữa EU và các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự hưởng ứng của các nước trong khu vực theo thời gian sẽ quyết định không chỉ mức độ thành công của EU mà còn cả triển vọng EU có thể trở thành "người chơi" quan trọng như thế nào và thậm chí cả quyết định như thế nào nữa trong "cuộc chơi" lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều hiện có thể chắc chắn được là các đối tác trong khu vực sẽ hoan nghênh nhiều hơn nghi ngại về chiến lược này của EU.