Gam màu trầm trong bức tranh thế giới cuối năm

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:46, 25/10/2021

Tác động của dịch Covid-19 và thất bại trong việc chia sẻ vắc xin cho các nước nghèo đang làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế, khiến triển vọng kinh tế các nước đang phát triển không mấy sáng sủa. Cùng với đó, thế giới chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực châu Phi tạo nên gam màu trầm trong những tháng cuối năm.

Ẩn số khó lường

Theo giới quan sát, kinh tế toàn cầu 3 tháng cuối năm nay tiếp tục đối mặt với không ít rủi ro, đặc biệt những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống còn 5,9% so với 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7.

Một trong những yếu tố đang cản trở quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Sự mất cân bằng cung - cầu đã khiến giá năng lượng và hàng hóa “leo thang” tạo áp lực lạm phát và đe dọa làm chệch đà phục hồi kinh tế. IMF dự báo lạm phát sẽ trở lại mức trước khi dịch vào năm 2022, song cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các dự báo về lạm phát.

Người dân tị nạn ở Mekele thuộc vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia. Ảnh tư liệu

Một nguy cơ lớn khác đối với triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu là nợ công. Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết 72 nền kinh tế đang phát triển hiện ở trong tình trạng “dễ bị tổn thương cao vì nợ.” Cùng với đó, thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân góp phần kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng dưới tác động của hàng loạt ẩn số khó lường như vậy, tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức và tương lai của nền kinh tế hiện rất khó đoán.

Nạn đói đe dọa nhiều quốc gia

Năm 2021, thế giới chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực châu Phi. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trong năm 2021, nạn đói đã trở nên trầm trọng hơn tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Trong danh sách các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của tình trạng thiếu lương thực, Ethiopia đứng hàng đầu với số người phải đối mặt với nạn đói dẫn đến tử vong dự báo có thể tăng lên 401.000 người, con số cao nhất kể từ nạn đói năm 2011 ở Somalia nếu các hoạt động viện trợ nhân đạo không được triển khai kịp thời. Tại Afghanistan, dự báo đến cuối năm 2021 sẽ có tới 3,5 triệu người dân phải đối mặt với nạn đói dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính và tử vong.

Hoài Anh