Tầm nhìn đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:05, 06/12/2021
Tin cậy lẫn nhau
Việt Nam và Nga xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và quyền tự quyết dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cũng như các điều khoản khác của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Hai bên ủng hộ hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới, tính đến lợi ích của nhau trong hợp tác song phương và trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam và Nga không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau. Việc phát triển quan hệ Việt Nam-Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác. Việt Nam và Nga quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực trong cả khuôn khổ song phương và đa phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh tư liệu |
Việt Nam và Nga tiếp tục phát triển đối thoại chính trị sâu rộng và thực chất ở cấp cao và cao nhất, coi việc củng cố tin cậy chiến lược là nền tảng cho việc mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thiện hoạt động của các cơ chế hợp tác chung, và trong trường hợp cần thiết, sẽ thiết lập các hình thức hợp tác mới nhằm tạo động lực và đột phá thực chất trong quan hệ song phương.
Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng
Hai bên coi hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sẽ nỗ lực mở rộng hơn nữa hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác. Nhằm đạt được mục tiêu đó, Việt Nam và Nga khẳng định sẵn sàng nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên theo hướng tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa bên cạnh những ưu đãi đã có trong Hiệp định. Hai bên khuyến khích đầu tư song phương vào Việt Nam và Nga trên các lĩnh vực truyền thống và mới như năng lượng điện, bao gồm điện tái tạo, công nghiệp, khai khoáng, công nghệ cao, giao thông vận tải, phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông nghiệp, lâm nghiệp. Hai bên tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, là trụ cột quan trọng hàng đầu của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hỗ trợ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng phù hợp, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng.
Cùng với tăng cường hợp tác công nghiệp, Việt Nam – Nga tăng cường hợp tác nông, lâm nghiệp nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai nước, thúc đẩy trao đổi thương mại nông, thủy, hải sản. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính - tín dụng, tiếp tục hợp tác xây dựng chính phủ điện tử; khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với các chủ thể của Nga, bao gồm hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và vùng Siberia và Viễn Đông của Nga...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin thống nhất phát huy kinh nghiệm hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nga, mong muốn làm sâu sắc hơn và đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới. |