Cuộc đua vị trí tổng thống Pháp bước vào chặng cuối

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:40, 14/03/2022

Hội đồng Lập hiến Pháp đã chính thức công bố danh sách 12 ứng cử viên vị trí Tổng thống nước này. Bước đi này đã “nhấn nút” khởi động chặng cuối của đường đua vào Điện Elyssé.

Các ứng cử viên "chủ nhân" tương lai của Điện Elysee sẽ nhận được một khoản tạm ứng là 200.000 euro/người để hoàn trả chi phí chiến dịch vận động tranh cử. Theo quy định, các ứng cử viên phải gửi bản kê khai tài sản và nguồn thu nhập trước ngày 11/3. Các bản kê này sẽ được Cơ quan Quản lý sự minh bạch và công khai đời sống của các quan chức đăng tải chính thức trên phương tiện truyền thông trước ngày 26/3 để công chúng được biết.

Theo danh sách được Hội đồng Lập hiến Pháp công bố, trong số 12 ứng cử viên tranh cử vị trí tổng thống Pháp nhiệm kỳ mới, ngoài những gương mặt quen thuộc như đương kim Tổng thống Emmanuel Macron, ứng cử viên Valerie Pecresse thuộc đảng cánh hữu có tên Những người cộng hòa; lãnh đạo Đảng Tập hợp quốc gia (RN) Marine Le Pen; bà Nathalie Arthaud, ông Fabien Roussel, ông Jean-Luc Melenchon, ông Eric Zemmour, bà Anne Hidalgo, ông Yannick Jadot, ông Philippe Poutou, ông Nicolas Dupont-Aignan và ông Jean Lassalle. Theo các nhà phân tích, nếu như hơn một tháng trước đây, các ứng cử viên tập trung vào kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thì đến thời điểm hiện tại tình hình chiến sự Nga - Ukraine đang làm thay đổi và chi phối nội dung chiến dịch tranh cử. Trong bức thư đăng ký tái tranh cử, Tổng thống E.Macron liệt kê những khó khăn mà ông đã “chèo lái” đất nước vượt qua như làn sóng biểu tình của những người áo vàng nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu, đại dịch Covid-19. Trong nhiệm kỳ tới, nếu tái đắc cử thì ông sẽ nỗ lực duy trì những thành quả đã đạt được và củng cố nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (áo đen) đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu, với tư cách Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) ông E.Macron đã tích cực phát huy vai trò trung gian, thường xuyên điện đàm với Tổng thống Nga Valdimir Putin và trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tìm giải pháp hòa bình.

Là ứng cử viên được dự đoán sẽ vào vòng 2 cạnh tranh trực tiếp với Tổng thống E.Macron, bà M.Le Pen đang bám sát các chủ đề về nhập cư và an ninh. Một số biện pháp bà đưa ra là chấm dứt nhập tịch bằng hôn nhân và tự động nhập quốc tịch cho những trẻ em sinh ra trên đất Pháp. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để hướng đến một nền kinh tế xanh, bền vững cũng được lãnh đạo Đảng RN ưu tiên. Từng có kinh nghiệm tranh cử tổng thống cách đây 5 năm, bà M.Le Pen hiện đang xây dựng hình ảnh thân thiện hơn và khéo léo tránh các chủ đề gây tranh cãi gay gắt khiến nữ chính trị gia này bị mất phiếu trong “cuộc đua” với Tổng thống E.Macron trước đây.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ ủng hộ của các cử tri sẽ được quyết định trong vòng 30 ngày tới, đặc biệt sau các cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên. Dù ai thắng cử, nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ không phải là “con đường trải hoa hồng” bởi những thách thức mà đất nước hình lục lăng đang đối mặt như lạm phát tăng cao, nguy cơ khủng hoảng năng lượng, những nguy cơ tiềm ẩn do tình trạng bất bình đẳng xã hội và khủng bố...

Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 10/4 và vòng hai vào ngày 24/4 tới. Ngày 13/5, tân tổng thống sẽ chính thức nhậm chức. Kết quả thăm dò dư luận do báo Politico thực hiện ngày 9/3 cho thấy, Tổng thống E.Macron đang dẫn đầu với 28% số phiếu ủng hộ...

Hoài Anh (t.h)