Thúc đẩy hợp tác Việt Nam và CICA
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:31, 13/04/2022
Ông Kairat Sarybay chia sẻ, đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam và được chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ của Việt Nam. 10 năm trước ông đến Việt Nam lần đầu tiên với tư cách là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Kazakhstan tham dự kỳ họp Tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước và chủ trì buổi gặp Liên Chính phủ hai nước về kinh tế thương mại. Sau 10 năm quay lại, ông nhận thấy Việt Nam thay đổi rất nhiều, ông thực sự không còn nhận ra hình ảnh Việt Nam của 10 năm về trước. Việt Nam ngày hôm nay có tốc độ phát triển vượt bậc với nhiều tòa nhà cao tầng và rất nhiều dự án có quy mô lớn. Ông cho rằng, những thành tựu mà Việt Nam đạt được ngày nay có sự nỗ lực rất lớn của các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao Việt Nam. Họ đã rất tích cực tham gia và có nhiều đóng góp hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế. Ông cũng nhận thấy Việt Nam có đường lối đối ngoại đa dạng, luôn mong muốn hợp tác với các tổ chức trên thế giới, trong đó CICA là một tổ chức có thể hợp tác với Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký CICA. Ảnh tư liệu |
Theo ông Kairat Sarybay, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CICA vào năm 2010 thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới. CICA đánh giá cao việc Việt Nam tham gia và có những đóng góp quan trọng tại CICA. Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thiết lập quan hệ giữa CICA và ASEAN. Hiện nay, Diễn đàn CICA có 3 nước thành viên và 4 nước quan sát viên đều là nước thành viên ASEAN. Đây cũng là tiền đề tốt để thúc đẩy hai tổ chức CICA và ASEAN hợp tác chặt chẽ với nhau cùng phát triển. Ông hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa những sáng kiến đã được đưa ra nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và CICA.
Tiếp Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký CICA, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau 30 năm hình thành và phát triển, CICA đang ngày càng lớn mạnh, thực sự trở thành diễn đàn lớn, quan trọng về thúc đẩy tăng cường đối thoại, củng cố lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên vì hòa bình, hợp tác phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời luôn tích cực tham gia hoạt động của CICA và thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường giữa các nước thành viên. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6 tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 10/2022 sẽ thành công tốt đẹp và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự với những đóng góp tích cực, thực chất.
CICA được thành lập vào năm 1992 theo sáng kiến của cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng ở châu Á và phát triển hợp tác giữa các nước thành viên trên những lĩnh vực như an ninh, kinh tế-tài chính, phát triển bền vững, môi trường, y tế, năng lượng, công nghệ thông tin, nhân đạo, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia...Đây là diễn đàn liên chính phủ khu vực để đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin và thông qua các quyết định, biện pháp về các vấn đề an ninh ở châu Á trên cơ sở đồng thuận. Hiện CICA có 27 nước thành viên và 8 quan sát viên, trong đó Việt Nam là thành viên CICA từ năm 2010. |