Đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm 15-30% khí phát thải nhà kính
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:11, 29/10/2021
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông |
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Chiến lược hướng đến nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Đến năm 2030, cả nước đạt cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Về xanh hóa các nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2030 tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1,0-1,5%/năm. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt từ 15-20%. Đến 2030, cả nước có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Về xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%.
Về xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu, mục tiêu đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75. Cả nước có 100% các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 70%.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh đang dần trở thành một xu thế tất yếu trên toàn cầu và là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế và mục tiêu này. Nước ta đang trên đà đổi mới, đẩy mạnh các mô hình tăng trưởng sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả.
Để thực hiện chiến lược này, sự vào cuộc, thống nhất giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương rất quan trọng. Trên cơ sở giải pháp, nhiệm vụ được giao, các hành động cụ thể cần được bộ, ngành, các cơ quan liên quan triển khai, với tinh thần tăng trưởng xanh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.