Nêu cao tầm quan trọng của vắc xin trong phòng, chống dịch bệnh

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:09, 27/12/2021

Sáng 27/12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, với chủ đề "Chia sẻ vắc xin, cứu sống mạng người, phục hồi kinh tế", kết nối với 63 tỉnh, thành phố và cơ sở y tế trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đại diện Sở Y tế và các sở, ngành tham dự buổi lễ.

Lễ mít tinh ngày 27/12 nêu cao tầm quan trọng của vắc xin trong việc phòng, chống dịch bệnh

Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong hai năm qua, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, cả nước đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc, hơn 31.000 người đã tử vong.

Lễ mít tinh được tổ chức nhằm nêu cao tầm quan trọng của việc tất cả mọi người dân đều được tiêm chủng; vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với hoạt động tiêm chủng phòng, chống bệnh; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác tiêm chủng đầy đủ.

Để đáp ứng thực tiễn do tình hình dịch bệnh đặt ra, ngoài nỗ lực kiểm soát dịch và chữa trị cho các bệnh nhân, Việt Nam đã chủ động, linh hoạt, sớm tiếp cận các nguồn vắc xin phòng Covid-19, thông qua nhiều hình thức khác nhau như đàm phán song phương, ngoại giao vắc xin…

Tính đến ngày 24/12, cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người dân (trong tổng số hơn 160 triệu liều được phân bổ), đạt tỷ lệ bao phủ 1 mũi trên 79 %, bao phủ mũi 2 là 66%. Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, dự kiến đến hết 31/12, toàn quốc sẽ bảo đảm bao phủ 1 mũi cho 100% dân số và khoảng 90% mũi 2, đồng thời bao phủ cơ bản liều vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.

Qua thực tế phòng, chống dịch đã chứng minh không thể chống một đại dịch toàn cầu bằng nỗ lực đơn lẻ của từng nước, nên cần phải có hợp tác quốc tế trong ứng phó với dịch bệnh.

Vì vậy, Bộ Y tế kêu gọi các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục tập trung, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, nhất biến chủng Omicron; thực hiện quản lý nhóm có nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức và thực hiện tiêm vắc xin lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không ai bị bỏ sót; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân đủ điều kiện đi tiêm vắc xin, bởi đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng…

Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra sự quan trọng của việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm, nên ngày 7/12/2020, theo đề xuất của Việt Nam, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh.

Thanh Hằng