Ngành Y tế đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết để hành động
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:15, 20/01/2022
Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, hệ thống y tế dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hỗ trợ của khối đại đoàn kết dân tộc đã hoạt động vượt mức giới hạn, vừa thực hiện các hoạt động mang tính cấp bách trong phòng, chống dịch, vừa thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các chiến lược đổi mới của ngành Y tế.
Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, mỗi đợt dịch có quy mô và mức độ lây nhiễm phức tạp hơn. Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố có thể sẽ còn tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới.
Ngành Y tế còn tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng "dịch chồng dịch", số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.
Các chính sách nhằm đổi mới công tác dân số tiếp tục được hoàn thiện, duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, triển khai các can thiệp dinh dưỡng, giảm tử vong trẻ em có hiệu quả.
Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được vi rút SARS-CoV-2 và đã có 4 vắc xin được thử nghiệm lâm sàng, 2 vắc xin chuyển giao công nghệ với Nga, Nhật…
Năm 2022, ngành Y tế tập trung phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021, với đại dịch Covid-19, Việt Nam gặp những khó khăn chưa từng có, đặc biệt là với ngành Y tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã biến “nguy thành cơ”. Chính trị, xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền được giữ vững. Quan hệ đối ngoại có bước tiến quan trọng, với sự hội nhập sâu rộng. Kinh tế tiếp tục phát triển, bảo đảm cân đối thu chi, không để đứt gãy thị trường lao động.
Trong phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta đã tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong lúc khó khăn, có cách tiếp cận đúng, tổ chức thực hiện quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các giải pháp chống dịch; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo sự đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, phát huy dân chủ, tranh thủ trí tuệ tập thể để đưa ra các quyết sách chống dịch phù hợp nên đã được kiểm soát dịch hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương ngành Y tế đã quyết liệt, đồng bộ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thực hiện tốt 3 trụ cột trong chống dịch “cách ly – xét nghiệm – điều trị”; tăng cường, nâng cao năng lực y tế cơ sở, không để hệ thống y tế đổ vỡ; thực hiện chiến lược, chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất từ trước tới nay hiệu quả, kịp thời, đạt tỷ lệ rất cao; kịp thời bổ sung các giải pháp chống dịch bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng người dân… Nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế đã khẳng định, minh chứng lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Trước diễn biến dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, ngành Y tế cần kiên quyết đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết để hành động, không được lơ là, chủ quan, nắm chắc, dự báo tình hình, cảnh giác và có biện pháp ngăn chặn từ xa các biến chủng vi rút.
Ngành Y tế cần khắc phục ngay những hạn chế ở mảng y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ y tế; có chính sách đãi ngộ, thu hút bác sĩ về cơ sở; đầu tư phát triển công nghệ, chuyển đổi số nhiều hơn; có giải pháp huy động nguồn lực. Hợp tác công - tư để đầu tư phát triển y tế; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao ý thức cho người dân… cũng như rèn luyện đội ngũ, đề cao đạo đức nghề nghiệp, trong sạch đội ngũ cán bộ ngành Y tế.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt yêu cầu ngành Y tế và các địa phương “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để có cơ sở mở cửa an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.