8 giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:43, 15/02/2022

Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT); tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông có các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Đến năm 2021, cả nước có 27.340 HTX, trong đó 18.327 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; trên 9.000 HTX phi nông nghiệp. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, KTTT đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, từ mô hình HTX kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình, tổ chức hợp tác đa dạng. KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới, gắn với cơ chế thị trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển.

HTX ở nước ta được hình thành, phát triển qua các thời kỳ, với những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng đã vượt qua những khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn, quan trọng cho đất nước. 

Để KTTT phát triển trong thời kỳ mới, Thủ tướng Chính phủ đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách về KTTT phù hợp với tình hình mới và thực tiễn Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, nhưng theo hướng tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, vận dụng sáng tạo, khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức.

Thứ tư, huy động mọi nguồn lực hợp tác để phát triển.

Thứ năm, có mô hình quản trị KTTT và kinh tế HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống mà phù hợp với mô hình Việt Nam.

Thứ sáu, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, gắn với mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thứ bảy, tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị theo thế mạnh của từng vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý.

Thứ tám, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và người tham gia các chủ thể trong thành phần KTTT.

Hội nghị cũng đánh giá Luật HTX năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Nhờ có Luật HTX, các HTX bước đầu thể hiện sự chuyển biến về chất, lượng.

Tuy nhiên, bên canh đó, Luật HTX cũng cho thấy không ít các hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển chung.

Thanh Nga