Đổi mới, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:46, 25/04/2022
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Năm 2021, thiên tai diễn biến khốc liệt và dị thường, gây ra nhiều hậu quả tại các địa phương trong cả nước. Việt Nam đã xảy ra 18 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận giông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất….
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm nhiều so với năm 2020.
Cụ thể, cả nước có 108 người chết do thiên tai, giảm 70% so với năm 2020. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra là 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020.
Năm 2022, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, trái quy luật. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, người dân cần có sự chủ động, đưa ra các tình huống, phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả để giảm thiệt hại.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng tiếp theo của năm 2022. Trong đó, cần triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, nâng cao năng lực theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai.
Đây là cơ sở cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ từ sớm, từ xa đối với việc ứng phó thiên tai. Trong phòng, chống thiên tai, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của cả bộ máy điều hành.
Ngành chức năng tổ chức kiểm tra phương án, phương tiện phòng, chống thiên tai năm 2022 trong toàn quốc, kịp thời phát hiện những điểm yếu để khắc phục. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai.