Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân cả nước

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:27, 29/05/2022

Ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại trực tuyến với nông dân cả nước. Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung; TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên tham dự cuộc đối thoại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành điều hành Hội nghị đối thoại. Ảnh: chinhphu.vn

Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ, sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ với bà con nông dân nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung, vì 2 năm qua phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ và 10 bộ trưởng đã trả lời 14 vấn đề được nông dân cả nước đặt ra. Trong đó, nông dân Nguyễn Văn Thanh, huyện Ứng Hoà (Hà Nội) đặt câu hỏi: Sau dịch Covid-19, giá vật tư chăn nuôi tăng mạnh so với trước, khiến nhiều nông dân thua lỗ, phải "treo ao, treo chuồng", Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ ?

Thủ tướng đã chỉ định Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời câu hỏi này. Theo Bộ trưởng Diên, đây là vấn đề toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính phủ, các bộ ngành đã nỗ lực chia sẻ với nông dân như: hạn chế xuất khẩu những vật tư có tính chiến lược; nghiên cứu chính sách nhằm điều chỉnh thuế phí...

Giá vật tư tăng cũng do nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng mạnh, có thời điểm tăng 130 - 170%. "Nếu giá vẫn leo thang, Bộ Công thương sẽ kiến nghị trợ giá cho nông dân, với một số vật tư thiết yếu", Bộ trưởng Diên cho biết.

Một nông dân khác đặt câu hỏi: Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn? Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, những cuộc khảo sát thực tế đã thấy nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen, trong đó có việc hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục cho vay.

So với năm 2017, tín dụng đen theo đánh giá sơ bộ đã giảm hơn một nửa, những sự việc đau lòng cũng hạn chế. "Kết quả cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đến cuối tháng 4/2022, đạt dư nợ trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung; TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, cùng nhiều đại biểu tham dự cuộc đối thoại tại điểm cầu Đắk Nông

Tại buổi đối thoại, những câu hỏi liên quan tới việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng được nhiều nông dân quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, các chính sách kiểm soát Covid-19 khiến việc xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, nên cần Chính phủ phải có những giải pháp căn cơ.

Chia sẻ với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Việt Nam đã có nhiều cuộc giao thiệp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Công thương đứng đầu.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của ngành xuất khẩu. "Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước. Chúng ta cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Cần thời gian quá độ để thúc đẩy sản xuất chính ngạch", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Tổng kết buổi đối thoại, Thủ tướng nhận thấy có 10 vấn đề nổi cộm gồm: tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; chuyển đổi số; nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch; sản xuất theo tín hiệu thị trường; góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp; việc làm ở khu vực nông nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hàng năm tiếp tục duy trì đối thoại với nông dân. Các bộ, ngành, các cấp tiếp tục đặc biệt quan tâm, nắm chắc tình hình thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, những vấn đề bức xúc để giải quyết phù hợp, kịp thời.

Thanh Nga