Thủ tướng đối thoại với công nhân, lao động cả nước
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:45, 12/06/2022
Tổng cộng có 10.000 câu hỏi, với 10 nhóm vấn đề chủ yếu được gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, công nhân, lao động đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022, đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Về nội dung này, Thủ tướng thông tin đã ký ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngay sáng nay (12/6/2022), trong đó quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng. Theo đó, Nghị định 38 quy định tăng lương tối thiểu thêm 6% cho công nhân, lao động.
Đồng chí Lê Văn Chiến, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cùng đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở, ban, ngành và công nhân, lao động tham gia chương trình trực tuyến |
Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề về bảo hiểm xã hội (BHXH) còn nhiều bất cập, thời gian đóng dài mới được hưởng lương hưu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động cho công nhân từ 40-45 tuổi.
Trả lời chị Hà, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục, với 11 nhóm chính sách bảo hiểm. Riêng việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đã xong và trình Quốc hội vào năm 2023.
Cụ thể, luật giảm dần thời gian đóng BHXH đủ điều kiện nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm.
Trước câu hỏi về hỗ trợ công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, cả nước có 3,4 triệu người được hỗ trợ về nhà ở sau dịch; 55 triệu lượt người được hưởng thụ 81.000 tỷ đồng chính sách hỗ trợ người lao động trong phòng, chống dịch và từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn những đóng góp của công nhân, lao động. Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hơp các vấn đề để rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về lao động.
Thủ tướng mong muốn công nhân, lao động tiếp tục nỗ lực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người lao động cần tiếp tục góp ý, trao đổi ý kiến để những vấn đề xuất phát từ thực tiễn được giải quyết kịp thời, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, cho Nhân dân.