Tìm giải pháp ứng dụng khoa học và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP

Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 14:43, 30/10/2020

Ngày 30/10, tại huyện Tuy Đức, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và bảo hộ sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP”.

Đắk Nông hiện có 22 sản phẩm của 16 đơn vị, các nhân đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có  2 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia.

Nhiều giải pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm OCOP được đề xuất tại Hội thảo

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và xây dựng thương hiệu gắn liền với các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng. Nhiều sản phẩm OCOP được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể như: Măng cụt, sầu riêng, khoai lang, tiêu, cà phê, xoài, rau củ quả…

Các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh đã được Công ty Cổ phần Tư vấn kinh tế và Phát triển nông thôn Việt Nam đưa lên Sàn giao dịch thương mại điện tử Block Chain OCOP Việt Nam để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Thế nhưng, số sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Đắk Nông chưa nhiều. Một số sản phẩm OCOP có sản lượng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn còn ít.

Chất lượng các sản phẩm còn ở tầm địa phương. Các sản phẩm chủ yếu vẫn là sơ chế, chưa được chế biến sâu. Bao bì mẫu mã sản phẩm còn đơn giản, chưa có thương hiệu, các sản phẩm tầm quốc gia, quốc tế còn ít...

Đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm OCOP của huyện Tuy Đức

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung về: Phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn; giải pháp về ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường; công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP của tỉnh…

Lê Dung