UBND tỉnh thông qua 13 nội dung quan trọng về KT-XH
Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 18:37, 08/07/2021
Video clip:
Phiên họp đã thông qua 13 nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, 5 nội dung chương trình thuộc thẩm quyền UBND tỉnh; 8 nội dung trình tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khoá IV.
Đáng chú ý, đối với Dự thảo phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, các đại biểu cho rằng, kế hoạch cần xác định rõ đối tượng hưởng chính sách đào tạo nghề cần quy định rõ thuộc trường hợp thường trú hay tạm trú. Các đối tượng được hỗ trợ đào tạo ở trường công lập hay dân lập.
Các thành viên UBND tỉnh tham dự phiên họp |
Đối với Dự thảo Quyết định điều chỉnh, bổ sung Chương trình công tác của UBND tỉnh trong 6 tháng, các đại biểu cho rằng, đơn vị tham mưu cần giải thích rõ vì sao những nội dung chương trình có tính chất cấp thiết lại đưa vào nhiệm vụ gần cuối năm mới thực hiện. Về nội dung chuyển đổi số, đơn vị tham mưu nêu rõ quy mô, phạm vi ảnh hưởng, hiệu lực, hiệu quả mà chương trình mang lại.
Phiên họp đã biểu quyết thông qua các chương trình, dự thảo nghị quyết liên quan đến vấn đề phân cấp lập, thẩm định và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; chương trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ thất truyền của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu các đơn vị soạn thảo gửi tài liệu trước để các thành viên nghiên cứu, góp ý, tránh tình trạng mất thời gian nghe đọc báo cáo tại các phiên họp |
Phát biểu cuối phiên họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười ghi nhận nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong tham mưu, soạn thảo các chương trình, dự thảo nghị quyết. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới, Văn phòng UBND tỉnh, các đơn vị tham mưu gửi tài liệu trước để đại biểu có thời gian nghiên cứu, góp ý, bổ sung ý kiến tại cuộc họp, tránh tình trạng lên ngồi họp chờ nhau đọc báo cáo rất mất thời gian.
Đối với một chuyên đề nào đó, đơn vị thường trực chủ trì phải có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan bàn bạc thống nhất, trước khi trình UBND tỉnh xem xét.