Đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới

Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 21:28, 05/10/2021

Chiều 5/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đã chủ trì buổi làm việc, họp bàn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2020 đến tháng 9/2021, số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm của tỉnh là hơn 31.000 lượt người.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Năm 2020, các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 6.000 người và đặt mục tiêu đào tạo thêm cho 4.000 người trong năm 2021. Tỷ lệ việc làm sau đào tạo đạt 80%, vượt kế hoạch được giao năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đặc biệt là từ quý II năm 2021), nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm ngưng, đóng cửa. Có khoảng 20.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và trở về quê. Phần lớn lao động đang thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, gây khó khăn cho địa phương trong công tác giải quyết việc làm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm chuyển đổi kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương thẳng thắn trao đổi những khó khăn trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy nghề, giáo viên dạy văn hóa tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh còn thiếu.

Dù nhu cầu giải quyết việc làm của lao động trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng thực trạng kinh tế-xã hội của tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Đặc biệt, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhu cầu tìm việc của người lao động có xu hướng gia tăng nhưng thị trường lao động của tỉnh chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm của người lao động vẫn rất cao, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Vì vậy, tỉnh cần tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, đào tạo để duy trì việc làm bền vững, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể phải nâng cao trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trước yêu cầu tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, trong thời điểm hiện tại, lực lượng lao động trở về rất lớn, vừa là thời cơ, vừa là thách thức với địa phương. Với chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần nhìn nhận lại tổng thể công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm để chuyển đổi kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

“Các đơn vị tiếp tục thực hiện chỉ đạo chung trong việc khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc; tiến hành điều tra xã hội học, nắm bắt số liệu chính xác về nguyện vọng, nhu cầu của người lao động, nhất là lao động bị ảnh hưởng do Covid-19; chủ động tham mưu với UBND tỉnh để có chính sách kết nối, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh sẽ sử dụng lao động của tỉnh…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Thanh Hằng