Tập trung tăng độ che phủ rừng và phát triển kinh tế rừng
Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 13:43, 15/03/2022
Toàn tỉnh hiện có 7 công ty lâm nghiệp, quản lý 107.900ha rừng, đất rừng. Trong số hơn 90.000ha đất có rừng, có gần 87.000ha rừng tự nhiên. Các đơn vị đã thành lập lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với 249 người.
Từ năm 2016 đến nay, các công ty lâm nghiệp đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử lý 2.069 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó, phá rừng có 1.363 vụ làm thiệt hại 381,54ha. Tình trạng phá rừng xảy ra chủ yếu tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, Quảng Sơn và Đắk N'tao với tổng số vụ 1.260 vụ/358,05 ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng và khai thác tốt tiềm năng kinh tế rừng |
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiệu quả QLBVR và phát triển rừng đạt được chưa cao. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra và chưa có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các công ty lâm nghiệp và các sở, ngành, địa phương đã thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp QLBVR và phát triển rừng. Nhiều ý kiến đưa ra những giải pháp để vừa thực hiện hiệu quả công tác QLBVR, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng về kinh tế rừng.
Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Bình đề xuất một số giải pháp quản lý, bảo vệ rừng |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chia sẻ những khó khăn, áp lực đối với công tác QLBVR của các công ty lâm nghiệp thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác QLBVR đối với sự phát triển chung của tỉnh. Rừng là tài sản Nhà nước và nhiệm vụ giữ rừng là của cả hệ thống chính trị. Các công ty lâm nghiệp là đại diện cho tỉnh đứng ra nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Cả hệ thống chính trị phải đồng lòng “tiếp sức” cho các công ty hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ngoài vấn đề môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười phân tích về tiềm năng, lợi thế của rừng để phát triển kinh tế. Do đó, các công ty lâm nghiệp cần phối hợp chặt với ngành chức năng phải tập trung thu hồi lại những diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm để tăng độ che phủ. “Chúng ta phải tuyên truyền, vận động để người dân cùng vào cuộc để trồng rừng, phát triển nông lâm kết hợp. Khi người dân ủng hộ, chúng ta sẽ QLBVR tốt hơn và cũng khai thác tốt hơn các vấn đề liên quan đến kinh tế rừng”, đồng chí Hồ Văn Mười nhấn mạnh.