Chủ động mời gọi đầu tư, phát triển cây dược liệu tại Đắk Nông
Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 17:21, 04/10/2022
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo ngành Y tế tỉnh chú trọng khám, chữa bệnh bằng phương pháp đông, tây y kết hợp |
Theo báo cáo của Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh: Đắk Nông có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây dược liệu trên quy mô lớn. Ngày 20/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 22 về "Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh". UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2314, ngày 28/12/2021 về xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Đây là cơ sở để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên trên địa bàn tỉnh để phục vụ mục tiêu khám, chữa bệnh, phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm hiện có trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, một số đơn vị chủ rừng đã và đang xây dựng kế hoạch trồng, phát triển, khai thác dược liệu thông qua các phương án quản lý rừng bền vững, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh có 2 dự án đầu tư kinh doanh phát triển dược liệu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đầu tư 42,4 tỷ đồng. Hai dự án có tổng diện tích thực hiện gần 38 ha. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong việc trồng và phát triển dược liệu cũng được quan tâm thực hiện.
Hội Đông y tỉnh thông tin về tình hình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh |
Một trong những hạn chế, khó khăn hiện nay là việc trồng, chế biến dược liệu chủ yếu theo hình thức tự phát; số lượng doanh nghiệp trồng và nhà máy chế biến, sản xuất dược liệu và thuốc từ dược liệu còn ít. Giá cả, chủng loại và sản lượng tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh không ổn định do phụ thuộc nhiều thị trường bên ngoài.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cho rằng: với nhiều tiềm năng, lợi thế, Đắk Nông cần sớm quy hoạch vùng trồng cây dược liệu; phát huy tối đa vai trò của đông y trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đi đôi với đó, công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng cần được chú trọng. Các ngành, địa phương chủ động mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu tại chỗ. Ngành Y tế tỉnh chú trọng khám, chữa bệnh bằng phương pháp đông, tây y kết hợp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười phát biểu kết luận buổi làm việc:
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, để xây dựng được mô hình phát triển chuỗi giá trị dược liệu, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần có sự kết nối, phối hợp tích cực để tránh tình trạng đầu tư phát triển manh mún, không hiệu quả.