Tỷ giá biến động mạnh, doanh nghiệp oằn mình chống đỡ
Thuế - Tài chính - Ngày đăng : 13:18, 26/05/2025
Diễn biến tình trạng găm giữ ngoại tệ và áp lực tỷ giá
Mặc dù đồng USD đang có xu hướng suy yếu trên toàn cầu, tỷ giá USD/VND lại chịu áp lực gia tăng bởi nhiều yếu tố cộng hưởng. Theo các chuyên gia, sự bất ổn kinh tế toàn cầu, chính sách điều hành trong nước, sự dịch chuyển kỳ vọng của thị trường cùng với đặc điểm cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam đang tạo nên những biến động đáng kể.
Đặc biệt, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có xu hướng rút khỏi thị trường trong nước để tìm đến những thị trường có mức lãi suất cao hơn, góp phần gia tăng sức ép lên tỷ giá.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi – nhận định rằng sự gia tăng tỷ giá USD/VND đến từ cả yếu tố cung – cầu ngoại tệ trong nước và các chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm, khi nhập khẩu phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, đã đẩy cầu ngoại tệ tăng cao đột biến.
Song song với đó, tâm lý tích trữ USD và vàng của một bộ phận doanh nghiệp và nhà đầu tư, với mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lạm phát đang khiến thanh khoản ngoại tệ bị thu hẹp trong ngắn hạn.
Điều này dẫn đến thực trạng tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhanh hơn so với tỷ giá tại ngân hàng. Hiện tại, giá USD trên thị trường tự do đã vượt mốc 26.200 đồng/USD, trong khi các ngân hàng thương mại niêm yết mức bán ra quanh 26.100 đồng/USD.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lo ngại rủi ro biến động tỷ giá nên đã chủ động tích trữ USD để thanh toán đơn hàng. Một doanh nghiệp nhập khẩu chia sẻ: “Doanh nghiệp phải đổi từ VND sang USD để thanh toán hàng hóa, chênh lệch mua – bán đã là một khoản mất mát. Từ năm 2024 đến nay, tỷ giá biến động mạnh, nên việc dự trữ USD là phương án cần thiết để giảm thiểu rủi ro.”
Ngoài ra, chính sách giữ lãi suất VND ở mức thấp của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng phần nào làm giảm sức hút của VND so với USD – trong bối cảnh lãi suất đồng USD tại quốc tế vẫn đang ở mức cao.
Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị với đồng tiền thanh toán chủ yếu là USD, Việt Nam chịu tác động rõ rệt khi chi phí logistics và vận tải quốc tế tăng cao do căng thẳng địa chính trị kéo dài. Nhu cầu mua USD của các doanh nghiệp vì thế ngày càng tăng, làm gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Ông Phạm Văn Vĩnh – Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế và hải quan tại PwC Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào nỗ lực đàm phán thương mại của Chính phủ trong bối cảnh thời hạn 90 ngày áp dụng các chính sách thuế mới của Mỹ sẽ kết thúc vào ngày 9/7.
Ông Vĩnh cũng nêu ra những kịch bản cần được tính đến như việc giữ nguyên mức thuế hiện tại hoặc có thể bị điều chỉnh tăng, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt quan tâm trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng của năm 2025.
Một yếu tố khác tác động đến tỷ giá là mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ (CNY) để thúc đẩy xuất khẩu, việc Việt Nam giữ ổn định tỷ giá sẽ khiến hàng hóa nội địa kém cạnh tranh hơn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng buộc phải điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn để bảo đảm năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered, đồng VND nhìn chung đã bám sát xu hướng của các đồng tiền thuộc nhóm thị trường mới nổi châu Á trong ba năm trở lại đây, dưới ảnh hưởng của xu thế đồng USD mạnh.
Dù biến động tỷ giá vẫn ở mức tương đối thấp, các yếu tố bên ngoài như điều kiện kinh tế toàn cầu và cán cân thương mại tiếp tục là rủi ro tiềm ẩn. Trên cơ sở đó, Standard Chartered đã điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND, nâng mức dự báo giữa năm 2025 lên 26.000 đồng/USD (so với mức cũ là 25.450 đồng/USD), và dự báo cuối năm là 25.700 đồng/USD (từ mức cũ là 25.000 đồng/USD).

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối mặt nhiều thách thức
Về nguyên lý kinh tế, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu thường được cho là sẽ hưởng lợi do thu được nhiều nội tệ hơn khi quy đổi doanh thu ngoại tệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, nơi phần lớn nguyên vật liệu, máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất đều phải nhập khẩu và thanh toán bằng USD, thực tế lại không hẳn như vậy.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang phụ thuộc tới 60-70% nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu. Do đó, khi tỷ giá USD/VND tăng, chi phí đầu vào cũng tăng theo, làm giảm đáng kể lợi thế tỷ giá, thậm chí bào mòn lợi nhuận.
Tác động của biến động tỷ giá vì thế sẽ khác nhau tùy thuộc vào cán cân giữa xuất khẩu và nhập khẩu của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu lớn hiện nay đều nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu, nên nhìn chung, khó có thể nói rằng họ hưởng lợi khi đồng USD mạnh lên.
Thực tế đã được phản ánh trong các báo cáo tài chính quý I/2025 của nhiều doanh nghiệp. Việc đồng nội tệ mất giá so với nhiều ngoại tệ chủ chốt khiến chi phí nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.
Một ví dụ điển hình là Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil), đơn vị phải chịu áp lực kép khi giá dầu sụt giảm đồng thời bị ảnh hưởng bởi tỷ giá bất lợi: lãi chênh lệch tỷ giá giảm tới 90%, trong khi khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lại tăng, khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm tới 89% dù doanh thu thuần vẫn tăng 11% và chi phí vận hành đã được cắt giảm.
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, CTCP (Đạm Phú Mỹ) cũng lo ngại rủi ro tỷ giá do chi phí nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là khí được xác định theo tỷ giá quy đổi VND/USD. Dù chính sách thuế quan từ Mỹ chưa có tác động tức thì, nhưng sự biến động mạnh của tỷ giá là một yếu tố rủi ro đáng kể trong hoạt động kinh doanh.
Tương tự, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận khoản lỗ tỷ giá ròng gần 250 tỷ đồng trong quý đầu năm, chủ yếu do đồng Yên Nhật tăng giá 5,2% so với VND. Tuy nhiên, nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi duy trì tăng trưởng tích cực, ACV vẫn đạt mức lợi nhuận sau thuế tăng 6,8%, tương đương 2.713 tỷ đồng.
Từ góc nhìn doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM nhận định: "Giá nhập khẩu tăng do biến động tỷ giá trong khi sức mua trong nước chưa thực sự phục hồi. Nếu không kịp thời điều chỉnh chiến lược giá và quản trị chi phí hiệu quả, doanh nghiệp rất dễ rơi vào thế bị động và gặp khó khăn".