Đắk Nông quyết liệt với hàng giả
Đắk Nông triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái, góp phần lập lại trật tự thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích cho người tiêu dùng.
Mập mờ về nhãn hiệu
Ngày 15/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với đại diện Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn huyện Đắk R'lấp.
.jpg)
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng phát hiện hai hộ kinh doanh đang bày bán nhiều sản phẩm phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha – những thương hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, hai hộ kinh doanh này đang kinh doanh tổng cộng 50 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe mô tô mang nhãn hiệu nổi tiếng, bao gồm: 35 sản phẩm phụ tùng xe mô tô ghi nhãn hiệu Honda, 15 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe mô tô ghi nhãn hiệu Yamaha có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Các sản phẩm phụ tùng chủ yếu gồm: mặt nạ, bạc đạn, tăm xe và lọc nhớt. Đây là những phụ tùng thường xuyên được người tiêu dùng mua để thay thế, sửa chữa phương tiện đi lại.
Tuy nhiên, toàn bộ số hàng hóa trên đều có dấu hiệu giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đánh lừa người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.
.jpg)
Ngay sau khi phát hiện, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Không chỉ dừng lại ở Đắk R'lấp, trong thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra và phát hiện thêm 4 cơ sở kinh doanh khác đang bày bán các loại phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha.
Các mặt hàng vi phạm rất đa dạng, từ chắn bùn, dây ga, bố đĩa, mặt nạ, bố thắng, cho đến công tơ mét… Những sản phẩm này không những vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, không bảo đảm về chất lượng kỹ thuật.
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính về nhãn hiệu này là 36 triệu đồng; đồng thời, buộc tiêu hủy 219 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu bao gồm: 91 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Honda và 128 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Yamaha.
Cao điểm kiểm tra, xử lý
Để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông vừa ban hành kế hoạch cao điểm về kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
.jpg)
Ông Nguyễn Văn Trãi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông thông tin, kế hoạch được ban hành với mục tiêu triển khai hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp giúp bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Chi cục yêu cầu các đội trực thuộc quản lý chặt chẽ địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương bám sát diễn biến của thị trường; đồng thời, tăng cường thu thập, phân tích thông tin về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa.

Trong đó, chú trọng tới các mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như: các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón...
Các đơn vị cũng chủ động phát hiện những biến động bất thường, các vấn đề nổi cộm của thị trường để có phương án giám sát, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các mặt hàng vi phạm. Đặc biệt là những hàng hóa được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Đây là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các diễn biến thị trường sẽ được theo dõi sát sao nhằm chủ động rà soát các mặt hàng có nguy cơ bị lợi dụng để đầu cơ, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung ký cam kết tuân thủ pháp luật với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn. Kế hoạch cao điểm này sẽ được triển khai từ nay đến hết ngày 15/6/2025.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông, hoạt động thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu, đồng thời là thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng.
Vì vậy, các ngành, lực lượng chức năng hiện rất cần được trang bị các giải pháp và hướng dẫn nghiệp vụ để kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm trong thương mại điện tử, phù hợp với diễn biến thực tế; đồng thời, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin để phục vụ công tác nắm bắt thông tin, phát hiện vi phạm, kiểm tra và xử lý hiệu quả.
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các lực lượng của Đắk Nông đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 290 vụ/335 đối tượng. Trong đó: xử lý hình sự: 67 vụ/103 đối tượng; xử phạt hành chính: 219 vụ; đang điều tra xác minh 4 vụ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3,3 tỷ đồng.