Sửa đổi Hiến pháp - Trách nhiệm lịch sử và khát vọng vươn mình
Với sự kỳ vọng vào sự vươn mình của đất nước, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Đắk Nông thể hiện tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức, trí tuệ vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Hiện nay, Quốc hội đang lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 2 nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất, về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; nhóm thứ hai, quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Việc sửa đổi, bổ sung lần này là yêu cầu cấp bách để thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Phải khẳng định, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phục vụ công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ chính trị - pháp lý hệ trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Với phương châm lấy dân làm gốc, muôn sự thành bại đều do dân, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các giai tầng trong xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức, trí tuệ của mình để việc góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp bảo đảm chất lượng, thời gian quy định. Ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, người dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc, làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trong dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp (Khoản 1 Điều 1, dự thảo), việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo. Điều này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam mà còn làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi, như tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi Nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cơ chế chủ trì và thống nhất hành động cần được cụ thể hóa. Đặc biệt, chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế bảo đảm hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh còn tồn tại. Quan trọng nữa là phải thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được các cơ quan Nhà nước tiếp thu, giải trình, xử lý nghiêm túc.
Tôi tin tưởng rằng, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học của các cơ quan Nhà nước và sự đồng thuận của Nhân dân, công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thành công tốt đẹp.

Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là hết sức cần thiết nhằm thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đây là cơ sở để xây dựng chính quyền hai cấp. Việc bỏ cấp trung gian sẽ giúp cho công việc Nhà nước ở địa phương được triển khai thực hiện kịp thời, nhanh chóng và phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Tại Khoản 2, Điều 115, Hiến pháp dự kiến sửa đổi quy định Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND không thuộc đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND là phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp và mô hình tổ chức của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát sắp tới (không tổ chức TAND và VKSND cấp huyện). Thực tế cho thấy việc chất vấn đối với hai chức danh này rất ít, vì đòi hỏi đại biểu HĐND phải có kiến thức chuyên sâu, nắm bắt đầy đủ thông tin hồ sơ vụ án mới có thể thực hiện được, đặc biệt, trong thời lượng của phiên chất vấn cũng không thể làm rõ được bản chất của một vụ án mà cần có một phiên giải trình hoặc cuộc giám sát.
Như vậy, theo tinh thần sửa đổi Hiến pháp lần này, đại biểu HĐND sẽ tập trung nghiên cứu chất vấn đối với chủ tịch UBND và thành viên UBND, đây là những chức vụ, chức danh do HĐND bầu ra, chịu trách nhiệm chính trong vấn đề tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND.

Triển khai thực hiện việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành văn bản, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thông tin rộng rãi đến các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện tốt việc lấy ý kiến góp ý.
Đoàn viên, người lao động tham gia ý kiến góp ý với toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó, tập trung góp ý vào các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến Công đoàn Việt Nam tại Điều 9, Điều 10.

Các cấp công đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý của đoàn viên, người lao động với các hình thức phù hợp như: góp ý kiến trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử); tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý kiến trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt vận động đoàn viên, người lao động tham gia ý kiến qua ứng dụng VNeID mức 2.
Tính đến ngày 20/5/2025, đã có trên 95% đoàn viên, người lao động tham gia ý kiến và hầu hết tán thành với dự thảo Nghị quyết, trong đó, 4 đơn vị tham gia 100% là LĐLĐ huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ chính trị, pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên toàn tỉnh đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm đồng bộ, nghiêm túc và đúng tiến độ.

Sở ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức lấy ý kiến về cách thức tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến và thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả như gửi văn bản qua email, thông báo qua nhóm zalo công vụ… để bảo đảm việc lấy ý kiến đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng.
Bước đầu, công tác lấy ý kiến đã ghi nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực từ các cơ quan, tổ chức và Nhân dân. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã thực hiện tham gia đóng góp ý kiến trên ứng dụng VNeID.
Sở Tư pháp theo dõi, khẩn trương đôn đốc các đơn vị để việc lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 được chất lượng, kịp thời, tổng hợp báo cáo đúng nội dung, tiến độ theo kế hoạch của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm sâu sắc và kỳ vọng lớn đối với sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định rõ ràng và cụ thể hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo – một trong những quyền cơ bản của công dân. Việc bảo đảm quyền này không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo tôi, Hiến pháp sửa đổi cần bổ sung quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo trong đời sống xã hội. Bởi tôn giáo không chỉ là đời sống tinh thần của một bộ phận Nhân dân mà còn là nguồn lực quan trọng trong việc lan tỏa các giá trị đạo đức, lòng nhân ái, hướng thiện, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, ổn định và phát triển.
Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là biểu hiện sinh động của tinh thần dân chủ và cầu thị. Đây không chỉ là dịp để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, mà còn là cơ hội để toàn xã hội cùng chung tay xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc, hướng đến một đất nước công bằng, văn minh, giàu mạnh và phát triển bền vững.

Tôi đánh giá cao chủ trương lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, thể hiện tính dân chủ, khách quan và toàn diện. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, tôi nhận thấy việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp không chỉ là công việc của cấp trên mà còn là trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân.
Tôi cũng xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia góp ý và tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và bà con hiểu, góp ý đúng, trúng và có trách nhiệm, góp phần xây dựng Hiến pháp thực sự là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn dân.

Chi bộ đã triển khai đến toàn đảng viên tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp và phân công từng cán bộ đảng viên đến tận nhà người dân vận động, hướng dẫn bà con đăng nhập ứng dụng VNeID để tham gia góp ý. Nhìn chung cán bộ đảng viên trong chi bộ và bà con trong thôn rất đồng tình, ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Tôi hoàn toàn đồng tình với định hướng tổ chức mô hình chính quyền địa phương theo hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Theo tôi, việc xây dựng mô hình này là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, giảm chồng chéo trong hoạt động quản lý, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Việc làm rõ cơ cấu tổ chức sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và chất lượng phục vụ Nhân dân.

Tôi kỳ vọng rằng, lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ tiếp tục cụ thể hóa mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân. Đây là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm quyền làm chủ thực chất, không chỉ thể hiện ở quyền bầu cử hay ứng cử mà còn ở việc người dân có thể trực tiếp tham gia góp ý, giám sát và phản ánh tâm tư, nguyện vọng đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương phải hợp lý, chặt chẽ nhưng linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để chính quyền cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo, đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới.