Đời sống

Tổ trưởng dân phố "gõ từng nhà" hướng dẫn góp ý Hiến pháp

Ngọc Dũng 24/05/2025 08:45

Tháng Năm, khi cả nước cùng góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013, ông Trịnh Văn Định, tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đức (TP. Gia Nghĩa) “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lan tỏa tinh thần công dân. Không khẩu hiệu, không lý thuyết, ông chọn cách gần gũi, chân thành để gieo mầm nhận thức giữa đời thường.

Những bước chân thầm lặng

Giữa những ngày hè trời chợt nắng, chợt mưa, ông Trịnh Văn Định, Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đức vẫn đều đặn gõ cửa từng nhà, vận động người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Với ông, đó không chỉ là nhiệm vụ, mà là sứ mệnh tự nguyện, đưa kiến thức pháp lý đến gần dân bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu.

1.jpg
Ông Trịnh Văn Định nghiên cứu tài liệu, lựa chọn nội dung tuyên truyền để người dân góp ý vào Hiến pháp 2013

Ngay khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên về việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp ý kiến cho Hiến pháp, ông Định lập tức bắt tay vào việc “Tôi xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần làm sớm, làm kỹ và làm đúng. Việc đầu tiên tôi làm là dành thời gian để đọc, nghiên cứu sâu các nội dung của bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013”, ông Định cho hay.

Theo ông Định, muốn nói cho dân hiểu, mình phải hiểu thật rõ trước đã. Vì vậy, ông chủ động lường trước những câu hỏi người dân có thể băn khoăn như: Hiến pháp là gì? Vì sao phải sửa đổi? Những chương, điều nào đang được đề xuất sửa đổi?

Khi người đi tuyên truyền có kiến thức, nắm chắc vấn đề, người dân mới tin tưởng và sẵn sàng lắng nghe. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng cũng giúp ông Định tự tin hơn khi giải thích và trả lời những thắc mắc của bà con về những điểm mới trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận và hiểu hết nội dung văn bản pháp luật. Nhiều người thấy dài, nhiều thuật ngữ chuyên môn thì ngại đọc, tìm hiểu. Bởi vậy, tôi phải chọn lọc nội dung, chuyển hóa thông tin thành cách nói đời thường, ngắn gọn, dễ hiểu nhất có thể,

Ông Trịnh Văn Định, Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa

Với người dân buôn bán nhỏ, làm nương rẫy, đặc biệt là người lớn tuổi, việc tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, ông Định chọn cách tiếp cận trực tiếp, giải thích từng câu, hướng dẫn từng bước. Có người không quen sử dụng ứng dụng VNeID, ông Định hướng dẫn đăng nhập giúp, gõ từng nội dung để bà con trả lời. Có hộ dân sợ bị lừa đảo hoặc lộ thông tin cá nhân, ông đến tận nơi trò chuyện, trấn an, giải thích rõ ràng để bà con yên tâm. “Mình phải là người đi trước, phải chân thành, phải kiên trì thì mới tạo được niềm tin”, ông nói.

4.jpg
Ông Trịnh Văn Định tuyên truyền người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Ông Định phân nhóm đối tượng để có cách tuyên truyền phù hợp. Với người dưới 50 tuổi, thành thạo công nghệ, ông tận dụng các nhóm zalo của tổ dân phố để vận động. Riêng đảng viên, ông nhắc nhở phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong tham gia và lan tỏa tinh thần trách nhiệm đến cộng đồng. Còn phần lớn người dân trên địa bàn là tiểu thương, làm nông nghiệp nên không kịp cập nhật thông tin hoặc chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc góp ý. Một số người lớn tuổi gặp khó khăn vì không rành công nghệ. Vì vậy, ông phải đến từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể.

Ông tranh thủ lúc người dân uống cà phê để gặp gỡ, lồng ghép nội dung vận động. Nhiều người khi thấy bạn bè làm trước, liền làm theo. Cứ thế lan tỏa ra cộng đồng, khu dân cư. “Có nhà ban ngày đi vắng, không mở cửa, tôi lại quay lại vào tối. Gặp được bà con là mừng, giải thích được cho bà con hiểu và thực hiện là vui”, ông cho hay.

Anh Nguyễn Hoài Nam, người dân tại tổ dân phố 2 chia sẻ: “Ông Định nói chuyện rất gần gũi nhưng rất sâu sắc. Ông không nề hà việc đi từng nhà tuyên truyền, giải thích cặn kẽ để bà con hiểu rõ hơn về Hiến pháp, về mô hình chính quyền hai cấp. Ông luôn nhấn mạnh rằng đây không phải chuyện của riêng ai, mà là việc lớn của đất nước, gắn chặt với đời sống của mỗi người dân”.

Hiến pháp không còn xa vời

Tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đức có khoảng 350 hộ dân, phần lớn là người làm nghề tự do, buôn bán nhỏ, làm nông nghiệp nên thường bận rộn, khó tiếp cận thông tin. Điều này khiến việc vận động người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt và tận tâm, ông Trịnh Văn Định đã trực tiếp đến hầu hết các hộ gia đình, đặc biệt là những trường hợp khó tiếp cận như tiểu thương, người thường xuyên đi làm rẫy. Trong đó, hơn 60% hộ dân ông tiếp cận, hướng dẫn tỉ mỉ từng bước để tham gia góp ý đúng cách.

“Người dân không phải không muốn góp ý do nhiều khi e ngại vì thao tác công nghệ. Họ sợ làm sai, sợ ảnh hưởng thông tin cá nhân nên còn dè dặt. Nếu có người giải thích rõ ràng, hướng dẫn tận tình, họ sẽ mạnh dạn tham gia”, ông Định chia sẻ.

Hiểu được tâm lý ấy, ông thường chọn thời điểm phù hợp để tiếp cận bà con như giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối, khi mọi người đã rảnh rỗi hơn. “Muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng không thể hấp tấp. Phải đi đúng nhịp sinh hoạt của bà con thì mới đạt kết quả tốt”, ông Định chia sẻ kinh nghiệm.

3.jpg
Tranh thủ mỗi lần gặp ông Trịnh Văn Định đều thông tin cho người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật

Ông Định cho rằng, so với năm 2013, việc lấy ý kiến năm nay thuận lợi hơn vì có ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ, còn chìa khóa vẫn là con người. “Nếu không có sự đồng lòng, phối hợp của cả hệ thống chính trị, người dân vẫn khó tiếp cận đầy đủ. Cho nên tôi hay tranh thủ nhờ các chị em ở chi hội phụ nữ, hội viên cựu chiến binh, đoàn thanh niên hỗ trợ vận động. Cứ người quen nói chuyện với người quen, hiệu quả sẽ cao hơn”, ông Định chia sẻ.

Không quản ngại khó khăn, không kể ngày đêm, hình ảnh ông tổ trưởng tận tụy với từng bước chân, từng lời giải thích cho bà con hiểu và thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân với đất nước đã trở thành hình ảnh thân thuộc với cư dân tổ dân phố 2. “Làm công tác này, nếu không từ cái tâm thì không thể gắn bó lâu dài. Tôi chỉ mong bà con thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, để rồi tự giác tham gia. Mỗi người một ý kiến, ghép lại mới thành bản Hiến pháp hoàn chỉnh cho cả nước”, ông Định bộc bạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đức Nguyễn Văn Đang, trong nhiều năm đảm nhận vai trò trưởng thôn, ông Trịnh Văn Định luôn là người gần dân, hiểu dân và tận tâm với công việc chung. Trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện, hợp nhất tỉnh, nhất là cao điểm lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 hiện nay, ông Định tích cực tìm hiểu nắm bắt chủ trương, thông tin để tuyên truyền, vận động người dân bằng tinh thần trách nhiệm và sự thấu hiểu. Nhờ vậy, người dân đồng thuận và chủ động tham gia góp ý kiến xây dựng Hiến pháp đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.

Ngọc Dũng