Bộ máy Nhà nước tinh gọn, sát dân hơn khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để tổ chức lại bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được kỳ vọng tạo cú hích, thúc đẩy phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.
Hai cấp - tinh gọn, hiệu quả, sát dân
Hiện nay, chính quyền địa phương ở Việt Nam được tổ chức theo mô hình 3 cấp hành chính gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) đang được nghiên cứu, lấy ý kiến Nhân dân nhằm hoàn thiện đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Mô hình chính quyền địa phương hiện hành đang hoạt động theo cơ cấu phân cấp 3 tầng gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Mỗi cấp đều có HĐND và UBND riêng, với chức năng, nhiệm vụ và biên chế tương ứng. Trong khi đó, mô hình 2 cấp đề xuất chỉ giữ lại cấp tỉnh và cấp cơ sở (tức cấp xã hiện nay), bỏ cấp huyện trong tổ chức chính quyền địa phương. Sự thay đổi này sẽ dẫn tới việc cấp huyện không còn HĐND và UBND như trước. Các nhiệm vụ, quyền hạn sẽ được tái phân bổ 1/3 giao cho tỉnh, 2/3 giao cho xã.
Điểm đáng chú ý là mục tiêu chính của mô hình mới là nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tầng nấc trung gian, khắc phục tình trạng dàn trải, chồng chéo giữa các cấp chính quyền. Với thực tiễn hiện nay, cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện và hàng ngàn phòng ban, bộ máy chuyên môn, việc duy trì bộ máy 3 cấp vừa gây tốn kém ngân sách, vừa kéo dài thời gian giải quyết công việc.
Việc cắt giảm cấp huyện sẽ giảm áp lực biên chế, ngân sách, đồng thời buộc cấp tỉnh và cấp cơ sở phải chủ động, linh hoạt hơn trong thực thi công vụ.
Đắk Nông hướng tới bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Tại tỉnh Đắk Nông, chủ trương chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền và người dân. Do đó, trong đợt lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013, cán bộ và người dân đã bày tỏ sự tán thành đối với mô hình này, coi đây là bước đi cần thiết để cải cách bộ máy hành chính.

Ông Hồ Quý Liệu, công chức UBND xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong cho rằng, việc bỏ cấp chính quyền huyện đặt ra yêu cầu tái cấu trúc toàn diện về quyền hạn, chức năng và chế độ công vụ của cấp xã. Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), chính quyền cấp xã sẽ không chỉ giữ vai trò hiện tại mà còn phải tiếp nhận phần việc trước đây do cấp huyện đảm trách, như hộ tịch, đất đai, cấp phép, an sinh xã hội... Việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính qua hệ thống điện tử hiện nay khá hiệu quả, là bước chuẩn bị cần thiết cho việc tinh giản bộ máy và chuyển đổi mô hình quản trị địa phương trong thời gian tới. "Để thực hiện hiệu quả mô hình này, cần trao quyền nhiều hơn cho cấp xã, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ, chế độ đãi ngộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin", ông Liệu đề nghị.
Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil chia sẻ: “Việc phân cấp nhiều hơn cho cấp xã giúp cơ sở đủ khả năng xử lý nhanh các tình huống xảy ra, không phải qua các khâu trung gian gây mất nhiều thời gian cho người dân”.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Đắk Kual, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song mong muốn, đã gọn phải tinh, không để tình trạng cán bộ không đủ năng lực nắm quyền và tránh tình trạng cán bộ “ngồi chơi xơi nước”. Trong quá trình sắp xếp bộ máy cần loại bỏ cán bộ có tình trạng lỏng lẻo, ngồi ì ạch, gây nhũng nhiễu cho bà con. “Nhân dân thôn Đắk Kual đồng tình, ủng hộ chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước và tham gia đóng góp ý kiến đối với Hiến pháp 2013. Cử tri mong muốn công cuộc tinh gọn bộ máy thật sự hiệu năng, hiệu quả”, ông Hiển thông tin.
“Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, chúng ta sẽ có tiềm lực mạnh hơn về mọi mặt, có nhiều thế mạnh, cơ hội để phát triển hơn. Đặc biệt, với chính quyền 2 cấp đòi hỏi cao hơn về đội ngũ nên chúng ta sẽ chọn lọc được đội ngũ cán bộ đủ đức, tài để đảm nhiệm các nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn”
Bà Mai Thị Xuân Trung, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Mai Thị Xuân Trung nhấn mạnh: “Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, chúng ta sẽ có tiềm lực mạnh hơn về mọi mặt, có nhiều thế mạnh, cơ hội để phát triển hơn. Đặc biệt, với chính quyền 2 cấp đòi hỏi cao hơn về đội ngũ nên chúng ta sẽ chọn lọc được đội ngũ cán bộ đủ đức, tài để đảm nhiệm các nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn”.

Việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là yêu cầu từ trên xuống mà còn là nguyện vọng từ cơ sở. Người dân mong muốn được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Cán bộ mong muốn có cơ hội phát huy năng lực, trách nhiệm trong một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để tạo hành lang pháp lý cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là bước đi cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Với sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến người dân, mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.