Chính trị

Hiến pháp qua các thời kỳ và yêu cầu sửa đổi

PV 23/05/2025 09:00

Hiến pháp là bản cam kết chính trị tối cao giữa Nhà nước với Nhân dân, là kết tinh của tư tưởng đổi mới trong từng thời kỳ phát triển. Việc sửa đổi Hiến pháp là yêu cầu chính trị, pháp lý và tổ chức, thể hiện sự đột phá về thể chế.

Những lần sửa đổi Hiến pháp

Qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Hiến pháp nước Việt Nam không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Việc sửa đổi Hiến pháp còn là minh chứng rõ nét nhất của quá trình đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào năm 1946, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và ban hành. Đây là bản Hiến pháp có giá trị lịch sử đặc biệt, khẳng định quyền làm chủ của Nhân dân và nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước dựa trên sự phân công, phân nhiệm. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.

Ảnh chụp màn hình (18)
Kể từ 1946 đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp

Năm 1959, Quốc hội khóa I sửa đổi Hiến pháp 1946, dẫn đến sự ra đời của Hiến pháp 1959. Hiến pháp 1959 phản ánh đường lối quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam.

Năm 1980, Quốc hội khóa VI thông qua Hiến pháp mới, đánh dấu thời kỳ cả nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời tiến hành công cuộc xây dựng xã hội - XHCN.

Năm 1992, sau khi công cuộc đổi mới được khởi xướng từ 1986, Hiến pháp 1980 được sửa đổi sâu rộng, phản ánh đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần, hội nhập quốc tế và mở rộng dân chủ.

Năm 2001, Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 để cập nhật những thay đổi trong phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.

Năm 2013, Quốc hội khóa XIII thông qua bản Hiến pháp mới. Bản Hiến pháp này được đánh giá toàn diện, hiện đại và có tính chiến lược cao, thể hiện sâu sắc quan điểm phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN, đề cao quyền con người và quyền công dân.

Năm 2025, lần sửa đổi thứ 6 được Quốc hội khóa XV khởi động từ ngày 5/5/2025. Việc này cho thấy yêu cầu cập nhật Hiến pháp đến từ chính nhu cầu nội tại của bộ máy quyền lực - một dấu hiệu quan trọng của sự trưởng thành thể chế.

Khác với trước đây, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 bắt nguồn từ đòi hỏi nội tại của hệ thống chính trị và hành chính quốc gia. Đó là yêu cầu phải “đột phá thể chế” để phục vụ hiệu quả hơn mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị ban hành xác định nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp như một bước đi tất yếu; đồng thời đề ra lộ trình, phương pháp, trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị yêu cầu, việc sửa đổi phải được hoàn thành chậm nhất vào tháng 6/2025. Do thời gian gấp rút, khẩn trương nên các cấp, ngành, địa phương phải thực sự chủ động, làm bài bản và kỷ luật lập hiến rõ ràng.

Quá trình nghiên cứu, rà soát và sửa đổi Hiến pháp, Bộ Chính trị yêu cầu Đảng ủy Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Chính phủ, các ủy ban chuyên trách và Bộ Tư pháp. Từ đó có thể thấy, sự vận hành thực chất của cơ chế phối hợp trong nội bộ hệ thống chính trị, hướng tới một mô hình nhà nước hiệu lực - hiệu quả hơn.

dsc03684.jpg
UBND xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đối với cán bộ chủ chốt

Điểm mới của việc sửa đổi lần này là hình thức lấy ý kiến Nhân dân đa dạng, rộng khắp. Từ ngày 6/5 đến 5/6/2025, người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; qua cổng thông tin điện tử, phương tiện truyền thông đại chúng; ứng dụng VNeID... Điều này thể hiện sự nghiêm túc trong việc phát huy dân chủ, huy động trí tuệ Nhân dân để xây dựng một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân và vì dân.

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 còn là minh chứng rõ ràng cho tư duy cải cách thể chế chủ động, phản ánh một Nhà nước ngày càng dân chủ hơn, hiệu lực hơn và vì dân hơn. Đây là bước đi có ý nghĩa chiến lược, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới, hiện đại, hội nhập và thịnh vượng.

Sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là yêu cầu khách quan từ thực tiễn, xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của quá trình phát triển đất nước. Hiến pháp phải là văn bản sống, phản ánh đúng thực tiễn đời sống chính trị - pháp lý của quốc gia nên cần lắng nghe ý kiến của Nhân dân để tập trung sửa đổi những vấn đề thật sự cốt lõi, cấp bách”.

Sửa đổi Hiến pháp không chỉ vì lý do kỹ thuật hay hành chính, mà còn phải hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Trước yêu cầu mới của sự phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh Đảng đang đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết, khách quan và cấp bách.

h7.jpg
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được triển khai rộng rãi, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013. Đây là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới và hội nhập. Hiến pháp khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng; cụ thể hóa các quyền con người, quyền công dân; đồng thời, thiết lập cơ sở pháp lý trong việc tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tạo điều kiện để phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhiều năm qua, Hiến pháp năm 2013 đã được cụ thể hóa qua nhiều đạo luật quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, nhiều vấn đề mới được đặt ra đòi hỏi phải tiếp tục điều chỉnh các quy định của Hiến pháp để phù hợp với thực tiễn.

Một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu là tổ chức chính quyền địa phương. Theo quy định hiện hành, mô hình chính quyền địa phương gồm ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Tuy nhiên, mô hình này ngày càng bộc lộ những hạn chế như: cồng kềnh, trùng lặp chức năng, gây lãng phí nguồn lực và làm chậm quá trình xử lý công việc.

Trong bối cảnh yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị đang trở thành mục tiêu xuyên suốt, mô hình ba cấp không còn phù hợp ở nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn và khu vực phát triển năng động. Nhiều đơn vị hành chính có quy mô dân số nhỏ, diện tích hạn chế, dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ nguồn lực đầu tư công. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả là cần thiết nhưng phải có cơ sở hiến định rõ ràng.

Mặt khác, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị cũng cần được tiếp tục làm rõ. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, phản biện xã hội nhưng cơ chế hoạt động còn thiếu đồng bộ, chức năng nhiệm vụ đôi khi chồng chéo, thiếu tính ràng buộc trong việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị.

Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo điều kiện để hoàn thiện cơ chế hoạt động, bảo đảm tiếng nói của Nhân dân được thể hiện rõ ràng, trọng lượng hơn trong quá trình xây dựng chính sách.

dsc02344.jpg
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. (Ảnh: Bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong tập hợp các tầng lớp Nhân dân)

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Hiến pháp là yêu cầu tất yếu để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27 và Nghị quyết số 60 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và đổi mới tổ chức bộ máy.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là cơ sở pháp lý tối cao. Muốn đổi mới bộ máy, tinh gọn hệ thống, trước tiên phải có sự sửa đổi, cập nhật từ chính văn kiện nền tảng này. Việc sửa đổi lần này không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý mà còn mang giá trị chính trị sâu sắc. Đây là bước đi thận trọng, có cơ sở khoa học, thực tiễn, phản ánh tinh thần cầu thị, đổi mới và quyết tâm xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.

Nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này được tiến hành trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là bước đi cần thiết để thể chế hóa đầy đủ hơn đường lối của Đảng, đồng thời phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay”.

Dự kiến có 8 điều trong 120 điều của Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung lần này. Do đó, việc sửa đổi này không toàn diện mà có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 2 nhóm quy định cần thiết phải điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển của đất nước.

Nhóm thứ nhất liên quan đến vai trò và tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, gồm các Điều 9, 10, 84 thuộc Chương I và Chương V của Hiến pháp. Nhóm thứ hai tập trung sửa đổi các quy định tại Chương IX về chính quyền địa phương, cụ thể là các Điều 110, 111, 112, 114 và 115 nhằm từng bước thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

dhmt2.jpg
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 tập trung nhiều nội dung liên quan đến vai trò và tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Điều 9 là việc xác lập rõ ràng vị trí chính trị - pháp lý của MTTQ Việt Nam. Dự thảo sửa đổi bổ sung nội dung: Mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh… được xác định là tổ chức thành viên trực thuộc mặt trận, hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.

Dự thảo mới bỏ quy định “Công đoàn Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện” và xác định Công đoàn là tổ chức trực thuộc mặt trận, có chức năng đại diện ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quốc tế, đồng thời bổ sung thêm vai trò kiểm tra, tuyên truyền, vận động người lao động.

Tại Điều 84, dự thảo nghị quyết loại bỏ thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức thành viên mặt trận ở Trung ương, chỉ giữ lại các cơ quan Nhà nước như Chính phủ, ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội...

Một trong những điểm đột phá lớn của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là đề xuất loại bỏ cấp hành chính huyện trong tổ chức chính quyền địa phương.

Theo dự thảo, các điều thuộc Chương IX, đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc không tổ chức cấp chính quyền ở cấp huyện nhằm tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tăng tính điều hành tập trung và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.

Thẩm quyền xác định loại hình đơn vị hành chính và thủ tục thành lập, giải thể, chia tách, điều chỉnh địa giới... sẽ thuộc về Quốc hội, thay vì phải lấy ý kiến Nhân dân như quy định cũ nhằm tạo sự chủ động trong quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính theo lộ trình cải cách của Trung ương.

dsc00382.jpg
Dù tiến tới bỏ cấp huyện nhưng cán bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Tuy Đức vẫn làm việc hết tinh thần, trách nhiệm vì Nhân dân

Việc bỏ cấp huyện đặt ra yêu cầu phải kiện toàn lại bộ máy chính quyền sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Dự thảo nghị quyết nêu rõ: Không tổ chức bầu các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND cấp huyện, xã mới hình thành, thay vào đó, các chức danh như chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND sẽ do cơ quan có thẩm quyền chỉ định. Đây được xem là bước đi nhằm bảo đảm bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với quá trình sắp xếp, tổ chức lại hệ thống đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Dự thảo nghị quyết sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

ban-sao-cua-mau-infor-cua-phong(1).jpg

PV